Đẹp-ngon xứ Nẫu: Về nghỉ làng chài, đùa con sóng nhỏ

Dọc dài 189km bờ biển Phú Yên, từ vịnh Vũng Rô đến vịnh Cù Mông nơi đâu cũng là những vũng, vịnh, doi cát, hòn (đảo nhỏ), cù lao tạo nên cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp. Chen vào đó là những làng chài bình yên, của những ngư phủ nhiều đời gắn bó với biển khơi, mặn mòi muối biển.
Khi phố xá trở nên chật chội nóng bức đến ngộp thở bởi hơi nắng nóng của không khí, hầm hập bởi hơi người khiến người ta nghĩ đến biển, nhớ biển với những làng chài bình yên có hàng dừa trước ngõ, đón làn gió mang hơi biển mặn, muốn ngâm mình trong làn nước biển trong xanh, mát dịu, chơi đùa với cát trắng mịn cùng với những con song nhỏ…
Biển Long Thủy, cách thành phố Tuy Hòa 7km về phía Bắc, một ngày nắng đẹp. Ảnh: Trần Quới
Đi chợ hải sản ở ngay bãi biển
Từ thành phố Tuy Hòa đi về phía Bắc chừng non 7km là làng chài Long Thủy (xã An Phú, TP Tuy Hòa), đây là một ngôi làng ven biển có từ lâu đời. Người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề khơi lộng. Thỉnh thoảng tôi rủ những người bạn thành phố, hoặc khách phương xa đánh một vòng đến làng chài này buổi sáng sớm để cảm nhận một buổi sáng ở biển rộn rã niềm vui như buổi chợ sớm mai trên bãi biển và cũng thật bình yên.

Mực nang Hòn Chùa thành thương hiệu xứ này. Ảnh: Trần Quới.

Ngoại trừ những nơi có cảng cá, tập trung những tàu thuyền lớn đánh bắt khơi xa, còn lại những ghe thuyền đánh bắt gần bờ, đi tối về sớm mai thường cập bến ngay bãi trước nhà neo đậu.Không gian bãi biển gần mép nước ngay trước làng trở thành chợ “đầu mối”. Cứ mỗi thuyền cập vào bờ là có một nhóm người tụ lại phân loại cá, người hỏi mua, kẻ ngã giá. Những giỏ cá các loại, tươi roi rói được các chị, các mẹ phân loại, bán sỉ cho những người mua bán nhỏ hoặc tự mình mang đi các chợ quanh vùng.
Người bán ở chợ bãi biển thường là chủ thuyền nên hầu như không nói thách, “bán để người ta còn đi bán lại kiếm đồng lời, mình đâu cần thách giá”, một chị giãi bày. Chúng tôi chọn mua lẻ một ít cá, mực tươi nháy còn cả ánh lân tinh. Việc mua – bán ở buổi chợ sớm diễn ra rất nhanh chóng để người mua còn kịp tới những chợ xa hơn. Còn chúng tôi, ghé lại một chị hàng bánh xèo ở ngay trong xóm chài nhờ đúc bánh xèo với mớ mực tươi vừa mua được.

Bãi biển Mỹ Quang ngày nước cạn. Ảnh: Trần Quới.

Mua hải sản rồi nhờ đưa ra Hòn Chùa
Cách làng chài Long Thủy chừng hơn 3km nữa là làng chài Mỹ Quang. Đây cũng là ngôi làng nổi tiếng với nghề đánh bắt gần bờ và muối mắm. Từ sáng đến chiều luôn rộn ràng không khí tấp nập bến bờ, mua bán. Dứt chợ buổi sáng, đến khoảng 15 giờ chiều là tiếp cảnh chợ chiều, đón những chiếc ghe nhỏ đánh bắt gần bờ cập bến. Không khí trên bãi dưới thuyền lại rộn ràng chừng hơn một tiếng đồng hồ, để người mua còn tiếp tục đi bán các chợ xa. Điều đặc biệt ở làng chài này là gần với Hòn Chùa, một đảo nhỏ ven bờ, địa điểm dã ngoại thú vị cho những người ưa biển cả. Ngư dân ở đây thường đi câu ven bờ vào buổi sáng hoặc chiều. Nhờ vậy mỗi ngày trong làng có hai buổi chợ vào giờ các ghe đi biển về.
Mua cá tôm ở ngay bãi, rồi thuê ghe đánh cá của người dân chở ra Hòn Chùa để thưởng thức buổi tiệc tối BBQ lung linh ánh đèn trên biển, cắm trại qua đêm, chơi những trò chơi trên cát, ngủ một giấc thật sâu cho tới khi ông mặt trời chiếu vào mặt, nhảy ùm xuống biển buổi sáng thật không gì bằng!

Cá về bến, du khách có thể mua hải sản tươi và chế biến ngay tại chỗ. Ảnh: Trần Quới

Chị Lê Hoài Yến Phương, người chuyên tổ chức đưa khách ra Hòn Chùa cho biết, tour trọn gói ngủ đêm Hòn Chùa theo lịch trình: 2 giờ chiều đón khách tại bến Long Thủy hoặc Mỹ Quang, hành trình thuyền ra Hòn Chùa khoảng 15 phút; tham quan ngắm san hô; tắm biển; tối dùng tiệc BBQ trên đảo; lều trại ngủ qua đêm; ăn sáng hải sản và sửa soạn rời đảo về bờ. Giá tour từ 550.000đ/ người, khách được mua bảo hiểm.Nếu khách không muốn ngủ qua đêm có thể chọn dịch vụ đi thuyền qua Hòn Chùa và lặn ngắm san hô với giá 120.000đ/người.Những khách thích cảm giác mạnh có thể mua dịch vụ đi mô tô nước hoặc lướt sóng bằng thuyền kéo.
Chị Nguyễn Thị Lan Khanh, một du khách đến từ TP Hồ Chí Minh cảm nhận: “Thật tuyệt vời với một chuyến dã ngoại qua đêm trên hoang đảo. Chúng tôi được thưởng thức những món hải sản tươi sống nhất có thể. Đặc biệt, đoàn có đông phụ nữ, phần lớn không biết bơi, nhưng vẫn có thể ngắm san hô tuyệt đẹp chỉ với chiếc áo phao và kính lặn, chỉ cần úp mặt xuống biển có thể thấy cả lâu đài của đại dương”.

Bãi biển nơi định cư của một làng chài lâu đời. Ảnh: Trần Quới.

Một lần trải nghiệm đời sống người dân làng chài, được hưởng làn gió mát, tắm biển, lặn ngắm san hô hay qua đêm trên đảo hoang… Những stress thường ngày đem thả tan ra trong lòng biển. Thả mình tự do trên mặt biển, úp mặt ngắm san hô cùng những đàn cá với nhiều hình thù, màu sắc sặc sỡ. Đêm nằm trong lều nghe biển hát, gió mát hòa âm làm mình quên đi mọi muộn phiền khi hòa mình vào thiên nhiên.
Và một phần không thể thiếu trong cảm giác sảng khoái, hạnh phúc không kém đó là những bữa ăn với các loại hải sản tươi sống như tôm, mực nang, nhum, ghẹ, ốc… Ra Hòn Chùa có hai món khách không nên bỏ qua là mực nang và nhum cũng gọi là nhím biển, cầu gai. Mực nang đã đi vào bài hát “Nẫu ca” thành thương hiệu xứ này: “Nhớ hầu (hồi) nào qua Phú Lỡ (Lễ)  ăn ẩu (ổi) chua/ Xuống Đại Lãnh uống nước ngọt/ Qua Hòn Chùa ăn mực nang…

Trần Quới (theo TGHN)