FDI Trung Quốc tiếp tục đổ vào bất động sản Việt Nam

Ảnh minh họa

Số liệu cập nhật của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, 8 tháng đầu năm 2017, nhà đầu tư Trung Quốc tiếp tục đẩy vốn FDI khá nhiều vào Việt Nam, trong đó có lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Lũy kế đến tháng 8/2017, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đang đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI vào Việt Nam, với 51 tỷ USD.

Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2017, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần vào thị trường Việt Nam là 23,36 tỷ USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, riêng nhà đầu tư Trung Quốc đứng thứ 4 trong số các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào nước ta (sau Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore).

Đóng góp vào vị trí thứ 4 này, Trung Quốc có 176 dự án cấp mới, 45 dự án tăng vốn, 516 lượt góp vốn mua cổ phần. Tổng số vốn 8 tháng là 1,7 tỷ USD.

Theo phân tích của Cục Đầu tư nước ngoài, ngay từ hết quý I năm nay, Trung Quốc đứng thứ 3 trong số các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào bất động sản ở Việt Nam, với 24 dự án, đạt 631,2 triệu USD (chiếm 5,6% tổng vốn đầu tư đăng ký của Trung Quốc tại Việt Nam).

Các dự án của Trung Quốc chủ yếu đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài với 1.318 dự án, tổng vốn đầu tư là 7,45 tỷ USD (chiếm hơn 66,5% tổng vốn đầu tư đăng ký của Trung Quốc tại Việt Nam). 18,4% tổng vốn đầu tư đăng ký theo hình thức hợp đồng BOT,BT,BTO. Còn lại khoảng 15% tổng vốn đầu tư đăng ký là theo hình thức liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh, công ty cổ phần. Trong số 63 tỉnh, thành phố, đầu tư của Trung Quốc đã hiện diện tại 54 địa phương.

Một điểm đáng lưu ý là số vốn Trung Quốc đổ vào Việt Nam trung mỗi dự án không nhiều, tiếp tục gia tăng về số dự án nhưng giảm về vốn. Nếu như quý I/2017 quy mô vốn bình quân mỗi dự án 6,9 triệu USD (trong khi đó mức trung bình của các dự án nước ngoài tại Việt Nam thời điểm đó khoảng 13 triệu USD/dự án).

Lũy kế đến tháng 8/2017, Trung Quốc có 1.727 dự án đầu tư tại Việt Nam còn hiệu lực, với tổng vốn hơn 11,9 tỷ USD, trung bình 6,8 triệu USD/dự án.

Mặc dù vậy, với chính sách cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam cởi mở hơn, tiềm năng sinh lời của bất động sản Việt Nam đang được đánh giá hấp dẫn hơn nhiều thị trường lân cận…

Theo khảo sát của CBRE về Mục tiêu của các nhà đầu tư Châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2016 và 2017, yếu tố chính thu hút đầu tư là tìm kiếm lợi nhuận cho thuê tốt thay vì kỳ vọng tăng giá trị tài sản. Lợi suất đầu tư cho các tòa nhà văn phòng có vị trí đắc địa tại TP.HCM và Hà Nội đang ở mức cao nhất trong 10 năm qua, cao hơn 3-4% so với lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm và cao nhất trong số 21 thành phố trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Khảo sát mới đây của Công ty nghiên cứu thị trường JLL cũng nhận định, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục gia tăng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản tại Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm ghi nhận sự gia tăng một số thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) của các đối tác Trung Quốc.

JLL dự báo có hàng trăm triệu USD đang chờ để đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam ở các phân khúc, bao gồm nhà ở, văn phòng, bán lẻ, khách sạn và khu công nghiệp, trong đó có vốn của Trung Quốc. JLL dự báo các thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới, đặc biệt trong thị trường nhà ở.

Với xu thế đó, cùng với đầu tư ra nước ngoài của nhà đầu tư Trung Quốc đang nhắm nhiều hơn vào bất động sản, có thể dòng vốn từ quốc gia này vào thị trường bất động sản Việt Nam sẽ tăng trong thời gian tới.

JLL dự báo có hàng trăm triệu USD đang chờ để đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam ở các phân khúc, bao gồm nhà ở, văn phòng, bán lẻ, khách sạn và khu công nghiệp, trong đó có vốn của Trung Quốc. Ảnh minh họa

Theo VOV