Góc sống chậm: Chỗ trú của tâm hồn Sài Gòn

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè về đêm. Ảnh: TL

Từ ngày khánh thành đường bờ kênh Nhiêu Lộc, nhờ hai con đường cặp ven sông Hoàng Sa và Trường Sa có lưu lượng xe cộ vừa phải, nhất không có xe tải, xe buýt lưu thông hầm hố mà người Sài Gòn cảm thấy khu vực này có lại nhịp sống đô thị của Sài Gòn xưa yên bình.

Việc nhận lời nhau đến bờ kè Nhiêu Lộc uống cà phê, nhậu lai rai trở thành một thói quen mới của không ít thị dân. Giữa thời buổi cả đô thị náo nhiệt lao về các hướng ồn ào nhịp sống hiện đại, thì thói quen tìm về các không gian sống chậm của thị dân xưa lại chứng minh, cái quá khứ sống chậm và yên ả của đời thị dân không bao giờ mất đi vẻ quyến rũ.

Khi xe quẹo vào đường bờ kè Hoàng Sa, tôi bắt gặp một dãy các quán càphê nằm kề nhau, quán nào cũng bàn ghế kê sát vách nhà, ngó ra đường, quán và khách giải khát đều cùng một phong cách rảnh rang thư thả.

Đi qua nhà nguyện Công giáo một đoạn, tôi vào một cái quán nép dưới hàng cây điệp vàng, mé hiên lợp tôn màu. Ngồi tựa lưng vào cái ghế nhựa, ngó lên trời, thấy trời xanh veo qua kẽ lá, ngó ra bờ kênh, thấy dòng kênh đen đang trong con nước lớn.

Chọn quán có tên QB, không biết sao lúc chờ càphê tôi lại rút chân ra khỏi giày, duỗi thẳng chân, ngửa người dài ra sau và thở ra một hơi thật dài. Đầu óc tôi thấy thoải mái vô cùng ở một nơi nhịp sống thư thái như tỉnh lẻ.

Tôi gọi nước uống, bà chủ quán sồn sồn nhìn tôi cười cười, chắc bà hơi lạ khi thấy tôi cởi giày, xăn ống quần lên. Tôi nói: “Giữa lòng Sài Gòn mà chị có quán yên ả như trại nghỉ dưỡng”. Chị trả lời: “Anh chắc ở trỏng ra (trung tâm Sài Gòn), nhiều người cũng khen quán thoải mái, chỉ tiếc là khi nước ròng vẫn còn chút mùi kinh thúi”.

Tôi lấy điện thoại ra nhắn tin kêu thêm bạn bè. Người đầu tiên đến là người sắp rời nghề báo, anh đến và đề nghị tôi kê bàn qua vỉa hè sát bờ kênh ngồi. Anh nói: “Đơn xin nghỉ việc của tôi ở báo đã được chấp thuận. Kể từ bữa nay tôi là người tự do, nên muốn ngồi sát bờ kênh để hửi mùi lao động Sài Gòn”.

Tôi hỏi anh nghĩ gì về việc ngày càng có nhiều viên chức có cỡ làm nhà nước xin nghỉ việc. Anh nói: “Trong con mắt tầm thường thì thấy lý do nghỉ nhà nước là do thu nhập, nhưng với tôi không đơn giản như vậy. Cái chính là sau nhiều năm, hy sinh cái tính phóng khoáng của dân Sài Gòn để chịu gò bó trong cơ chế vậy là đủ lắm rồi”.

Người thứ hai tới là một nhạc sĩ, thấy anh đến quán cà phê xóm bờ kênh bằng xe taxi khiến ai cũng ngó. Bà chủ quán ngó anh lom lom, hỏi: “Tôi có quen anh không, hình như thấy anh trên truyền hình, y chang”. Anh nhạc sĩ trả lời: “Thằng đó là anh tôi, chị không thấy nó già khằn sao”. Bà chủ quán bước lại gần sát bên anh nhạc sĩ, nói: “Nè cưng. Thấy giống lắm đó nghe, nếu phải thì nói cho chị mừng”.

Anh chàng nhạc sĩ cười toét miệng rồi quay qua chúng tôi nói: “Ai cũng tưởng đi taxi là sang, chứ đâu biết đi taxi có cái hay là nghe tài xế nói đủ thứ chuyện về luật pháp và luật rừng, hay hơn phóng sự đăng báo nhiều, nguồn thông tấn xã vỉa hè mà”.

Chúng tôi ngồi trong ánh chiều hôm của kênh Nhiêu Lộc, trong tiếng kinh của nhà nguyện Công giáo cách quán càphê một khoảng. Ai cũng hiểu đây là tiếng kinh chiều từng vang lên ở các xóm nghèo Sài Gòn xưa. Thật may mắn khi có được những khoảnh khắc thấm đẫm bình yên cùng tâm hồn người nghèo.

Ngồi trên bờ, nhìn xuồng dòng kênh, lâu lâu có đoàn thuyền du lịch chầm chậm đi qua – một hình ảnh thật nên thơ. Ảnh: TL

Trần Tiến Dũng (TGTT)