Kinh nghiệm đưa hàng vào Nhật Bản, Hàn Quốc

Ngày 19/4, Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP.HCM (CIIS) phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức hội thảo “Thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam với thị trường Nhật Bản & Hàn Quốc trong tình hình mới”. Hội thảo thu hút sự tham dự của hơn 150 đại biểu, từ các Sở, ngành Thành phố; các Hiệp hội doanh nghiệp trong nước, Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài; các doanh nghiệp xuất khẩu.
Chia sẻ tại chương trình, ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương nhấn mạnh, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 (sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ), là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc), thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 (sau Trung Quốc & Hàn Quốc) của Việt Nam. Riêng Hàn Quốc là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam vào năm 2022, là đối tác thương mại lớn thứ 3 (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ), là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc), thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 (sau Trung Quốc) của Việt Nam.
Ông Hưng chỉ ra tiềm năng, và các cơ hội xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản & Hàn Quốc đối với các sản phẩm dệt may, da giày, nông thủy sản và giới thiệu các cam kết về thuế quan đối với các mặt hàng này trong các FTA mà Việt Nam và Nhật Bản, Việt Nam và Hàn Quốc hiện đang thực thi. Về nông sản có trái chuối tươi và sấy khô, rau dưa nấu chín hoặc đông lạnh, cà phê, hạt điều, mực, cua, gỗ ván ép, …
Tuy nhiên, theo ông Hưng, riêng về nông sản, thủy sản Việt Nam cần chú ý những vấn đề liên quan đến các vi phạm tiêu chuẩn VSATTP khi nhập khẩu vào Hàn Quốc. Chẳng hạn như trong giai đoạn 2018 – 2022, mỗi năm có nhiều vi phạm trong lĩnh vực này. Năm 2018 có 151 vụ, năm 2019 có 117 vụ, năm 2020 có 51 vụ, năm 2021 có 53 vụ, và năm 2022 với 59 vụ vi phạm.
Cụ thể hơn, ông Hưng đưa ra một số vi phạm phổ biến, đó là: Thành phần có hàm lượng gây hại vượt quá mức cho phép (aflatoxin, benzopyrene, enrofloxacin, ciprofloxacin); Vi phạm tiêu chuẩn sử dụng chất bảo quản; Sản phẩm biến đổi gene chưa được cho phép.
Ông Keigo Yoshida, Giám đốc cấp cao phụ trách Bộ phận sản phẩm Công ty TNHH Aeon Topvalu Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm mà thị trường Nhật Bản cần
Trong khi đó, ông Choi Kyu Chul, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại TP.HCM (KOCHAM) nêu lên chiến lược trong ngắn hạn, trung và dài hạn để tăng cường thương mại giữa hai quốc gia.
“Trung và dài hạn, Việt Nam cần xây dựng cho mình được nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng bằng nguồn vốn xã hội hóa, bao gồm đường xá, bến cảng và hàng không; tập trung mở rộng đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ như vật liệu, linh kiện… Chính phủ Việt Nam cần đưa ra nhiều chính sách mới hỗ trợ các ngành công nghiệp, và doanh nghiệp phát triển hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt là hỗ trợ cho các ngành công nghiệp phát triển theo hướng thân thiện với môi trường”, ông Choi Kyu Chul nói.
Trong khi đó, ông Keigo Yoshida, Giám đốc cấp cao phụ trách Bộ phận sản phẩm Công ty TNHH Aeon Topvalu Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM (JCCH) cho hay, thị trường tiêu dùng tại Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt cần chú ý một số điểm. Đầu tiên là tốc độ thay đổi nhanh chóng, bao gồm cả việc cải tiến, đổi mới sản phẩm. Tiếp theo là sự xoay vòng nhanh, cung cấp sản phẩm đa dạng, dễ dàng tùy chỉnh độ thích ứng với số lượng ít. Cuối cùng là thú trọng về chất lượng của sản phẩm, giá rẻ.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nhận định, xuất nhập khẩu của Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc hơn 700 tỉ USD trong năm 2022. Năm 2023, theo dự báo của các tổ chức quốc tế, xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn do nhu cầu thế giới suy giảm tiêu dùng, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn, vốn là các thị trường nhập khẩu quan trọng của Việt Nam. Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 nền kinh tế lớn, và cũng là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc hiện còn khiêm tốn, chiếm lần lượt 2,7% và 3,3% mặc dù Việt Nam đã ký kết và thực thi với Nhật Bản các FTA như (AJCEP, VJEPA, CPTPP, RCEP), và Hàn Quốc (AKFTA, VKFTA, RCEP). Có thể thấy, hàng hóa Việt Nam tại Nhật Bản và Hàn Quốc còn nhiều cơ hội mở rộng và tăng trưởng.
Bài, ảnh: Trần Quỳnh