Trần Huy Liệu trong “Cõi người” – Phần 1: Tân Trào – Hà Nội

Trần Huy Liệu (1901 - 1969), quê Nam Định, là một nhà văn, nhà hoạt động cách mạng, nhà sử học, nhà báo. Ông từng giữ nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao (như Bộ trưởng Bộ Thông tin Tuyên truyền) trong chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông là chủ tịch đầu tiên của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học CHDC Đức. Trong thời gian Cách mạng Tháng Tám ông giữ những cương vị quan trọng. Tháng 8/1945, Trần Huy Liệu dự Đại hội Quốc dân ở Tân Trào và được bầu làm Phó chủ tịch Ủy ban dân tộc giải phóng (có vai trò như Chính phủ cách mạng lâm thời lúc đó). Ông là người soạn Quân lệnh số 1 phát lệnh Tổng khởi nghĩa toàn quốc dẫn đến Cách mạng Tháng Tám thắng lợi rồi làm Bộ trưởng Bộ Thông tin Tuyên truyền trong Chính phủ lâm thời. Ngày 25 tháng 8 năm 1945 ông thay mặt Chính phủ cùng với Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận vào kinh đô Huế chấp nhận sự thoái vị và nhận ấn tín của vua Bảo Đại.

Bây giờ nhớ lại tôi nghĩ nếu đời người ta, tình yêu đầu tiên vẫn là tình yêu ngây thơ nhất, thắm thiết nhất, say mê nhất, thì nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của chúng ta, theo chủ quan của tôi, cái phong vị của những ngày đầu sau cuộc Tổng khởi nghĩa thắng lợi vẫn đậm đà nhất, nhớ lâu nhất. (Hồi ký Trần Huy Liệu. NXB Khoa học xã hội. 1991)

>> Trần Huy Liệu trong “Cõi người” – Phần 2: Khánh chúc Tân triều

Thưa quí độc giả!

Cách đây 72 năm, trong dòng chảy lịch sử Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, có sự kiện hoàng đế Bảo Đại thoái vị, trao ấn kiếm cho đại diện của chính phủ cách mạng lâm thời. Là một nhân chứng cũng là một trong những người góp phần kiến tạo nên sự kiện đó, Trần Huy Liệu đã có những ghi chép khá thú vị về những ngày lịch sử này.Tuy nhiên, riêng về con người Trần Huy Liệu, vẫn còn đó những điều thú vị mà không phải ai cũng biết.

Kỷ niệm 72 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 năm nay, được sự đồng ý của tác giả Trần Chiến (con trai út của Trần Huy Liệu) và Nhà xuất bản Trẻ, Viet Nam Times trân trọng giới thiệu đến bạn đọc một số chương trong quyển sách “Cõi người”  – một quyển sách khắc họa tương đối đầy đủ chân dung của Trần Huy Liệu cùng những tư liệu của ông về những ngày cuối tháng Tám năm 1945.

TÂN TRÀO – HÀ NỘI 

Trần Huy Liệu cố gắng khôi phục lại thói quen ghi chép. Tròn một năm ngày vượt ngục Nghĩa Lộ, ông hoàn thành bản thảo về sự kiện “dậy non” kia. Có những đau xót, phân tích, nhận lỗi về phần mình. Có những dí dỏm, tức cười dọc đường…

Bao điều cần phải ghi ngay, toàn chuyện chả phải chỉ trọng đại với mình ông, mà liên quan đến những vận mệnh rất lớn. Mà từng tí một, Liệu nhận ra cái trí nhớ, vốn là niềm tự hào, đang phản bội lại mình. Cú ngã năm nào ở Côn Đảo dầu sao cũng để lại dư chấn trên đầu…

Nhưng chả thể tỷ mẩn nhặt, ghi lại hết. Ông đang sẵn giấy bút, vài tờ báo trong tay để thỏa mãn chí lập ngôn. Nhưng cái trong tù cực nhiều, mà thời gian, thì lại không. “Cái gạch nối” giữa hai thời kỳ tự do và lưu đày có lẽ là những bộ “com lê”. Quần tây sáng, áo vét, sơ mi trắng thắt cravate làm Liệu nhớ bộ đồ trong tù, cả trăm thằng “đồng phục”, khác nhau cái số má.

Chuyến xuôi sông Hồng vô sự. Miền xuôi đón họ với một trật tự khá hỗn loạn. Trên đường phố, lính Nhật rầm rập lưỡi lê sáng lòe. Trong các căn nhà, báo Cứu Quốc của Mặt trận Việt Minh được truyền tay nhau đọc. Mạng thông tin, chủ yếu qua radio, đưa dồn dập việc quân đội Đồng Minh từ Normandie tiến về phía Tây châu Âu, đạo quân Quan Đông thất thủ ở Mãn Châu Lý. Trong trụ sở Cứu Quốc ở Đại Mỗ, Liệu cùng Xuân Thủy soạn lại tin tức, viết những bài kêu gọi chống phát xít.

Cơ sự xoay vần quá nhanh. Phát xít đầu hàng Đồng Minh. Các đô thị lớn cực kỳ mong manh, chả lực lượng nào có quyền lực thực sự. Trong khu rừng lớn có cây đa trùm rợp ở Tuyên Quang, Việt Minh tổ chức Đại hội Quốc dân, nội dung chính là tiến về xuôi nắm lấy chính quyền. Tất tả lên Tân Trào, Liệu nghe nhiều chuyện về Nguyễn Ái Quốc, nhiều người bảo giờ là Hồ Chí Minh. Rằng đã bôn ba nhiều nước, chí hướng giành độc lập, tự do cho dân tộc lớn lắm. Rằng đã về nước năm bốn mốt, ở trong cái hang thẳm trên Cao Bằng chỉ huy cách mạng, gây dựng lực lượng.

Ông Cụ rất tích cực tìm kiếm sự hỗ trợ bên ngoài, đem viên phi công Mỹ lái cái máy bay bị Nhật bắn rơi sang tận Trùng Khánh trao trả Đồng Minh. Sự trợ giúp rút cục khá nhỏ nhoi: người Mỹ chỉ cử đội biệt kích “Con nai” do một thiếu tá chỉ huy sang huấn luyện quân sự.

Có một việc nhỏ làm hiện ra trong mắt các đồng chí một ông Cụ thật lịch lãm: mấy chị hậu cần lo sốt vó khi được giao tổ chức một buổi tiệc đãi bạn. Ăn uống gì, hút gì, ở đâu…, trao đi đổi lại mãi không ra. Ông Cụ bảo đem con bê về, ra suối thui chín, để xấp dao bên cạnh, tất nhiên kèm rượu cognac. Đây có lẽ là một bữa ăn nhớ đời với thiếu tá Thomas và đội “Con nai”.

Đêm 13/8, trong một căn nhà lợp lá, tôi được đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp) ủy quyền cho thảo bản Quân lệnh số 1 của Uỷ ban Khởi nghĩa. Mặc dù ngồi dưới ngọn đèn tù mù những con tầm xuân, con thiêu thân bay quanh tới tấp, muỗi và dĩn thi nhau đốt làm tôi nhiều lúc nẩy người lên hay đập chân phành phạch, tôi vẫn say sưa nghĩ đến cảnh mất nước, dân nhục từ tám mươi năm, nghĩ đến sự nghiệp cách mạng của mấy thế kỷ qua; những cuộc khởi nghĩa của Văn thân, của Việt Nam Quốc dân Đảng cho đến ngày nay dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Mình được sung sướng làm cái việc “nửa đêm truyền hịch hẹn ngày xuất quân”… Bản Quân lệnh số 1 lúc ấy tôi thảo ra một mạch, đọc đi đọc lại vẫn không sửa chữa một chữ nào. Viết xong tôi trao cho anh Văn. Nhìn anh tôi nghĩ đến những ngày gặp nhau ở báo Le Travail, tôi mỉm cười nghĩ thầm: Chàng “bạch diện thư sinh” này đã trở thành một viên tướng rồi ư? Thế là cuộc Tổng khởi nghĩa đã phát động. Uỷ ban Khởi nghĩa chỉ còn chờ chính thức hóa tại Đại hội Quốc dân. (Hồi ký Trần Huy Liệu. NXB Khoa học xã hội. 1991)

Liệu thấy thân phận mình được “cải thiện” từng bước. Cùng Nguyễn Lương Bằng, Phạm Văn Đồng, Dương Đức Hiền ngồi chủ tịch đoàn điều khiển Quốc dân Đại hội ở đình Tân Trào. Được cử làm Phó Chủ tịch Uỷ ban Dân tộc Giải phóng, sau đổi ra Chính phủ Lâm thời. Ông về Thủ đô Hà Nội giữa rừng cờ và biểu ngữ đón chào, lòng hân hoan không thể tưởng. Và cũng không thể tưởng trong niềm hân hoan ấy lại có những lẽ, những nỗi không thể tưởng ra.

>> Trần Huy Liệu trong “Cõi người” – Phần 2: Khánh chúc Tân triều

Trần Chiến

Cõi người” đã tiếp cận con người nhà cách mạng, nhà sử học Trần Huy Liệu ở một góc độ “người” trong các khung tham chiếu thời đại, qua đó gợi lại tiến trình biến đổi của xã hội Việt Nam từ cận đại sang hiện đại. Trần Chiến nhìn thấy ở tiền nhân một hình tượng của lịch sử đặc sắc và cũng là thân nhân của chính mình một con người ngổn ngang tâm sự. (Nhà văn Trần Chiến là con trai út của nhà sử học Trần Huy Liệu) 

Qua những tài liệu đã xuất bản và sổ tay ghi chép của chính nhà sử học Trần Huy Liệu, tác giả đã dựng nên một chân dung xác đáng nhất về một con người vừa là nhân chứng, vừa là người góp phần kiến tạo nên những sự kiện quan trọng của đất nước. Vừa như sống trong những biến động sôi sục của thời đại, vừa thong dong ở một độ lùi của lịch sử, câu chuyện lôi cuốn người đọc ở một cách nhìn toàn diện mà vẫn rất chi tiết. Bản in lần này của Nhà xuất bản Trẻ được bổ sung thêm tư liệu, như những bức thư của học giả Đào Duy Anh, trao đổi với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, và giáo sư Phan Huy Lê về câu chuyện Lê Văn Tám… Những điều này làm nên thêm sức hấp dẫn cho tác phẩm này.

NXT Trẻ