Chỗ đứng của món Việt

Pumkin Pie, món bánh truyền thống trong bữa ăn Thanksgiving. Ảnh: Khánh Mai.
Năm cuối ở Rensselaer Polytechnic Institute (RPI), dù rất bận nhưng bọn trẻ vẫn hăng hái chuẩn bị bữa tiệc potluck trong ký túc xá. Bạn học từ nhiều vùng, bang, mỗi đứa góp một món tự làm, không nói trước – nhưng bữa tiệc luôn mang sắc thái địa phương mỗi đứa.
Giao thoa món Việt
Minh Châu thích những trải nghiệm đó, thích những món ăn của các bạn tự làm và tự tìm ra sắc thái riêng. Món Ý bao giờ cũng nhiều phô mai, món Mexico rất cay, Mỹ thường nhiều thịt, món Việt thường là cơm, chả giò…
Các bạn Ấn Độ thì góp món cà ri, Mexico thì góp tortillas, tacos, Ý thì làm spaghetti, còn Minh làm món cơm Việt Nam với nước xốt Mexico. Các bạn thích và luôn hỏi món chả giò, nhưng Minh không biết làm nên chỉ chỗ mua nguyên liệu ở ASIA Supermarket Albany. Hi vọng các bạn làm thử rồi kể lại cho nhau nghe sau kỳ nghỉ. RPI có 3 khu nhà ăn, thường xen kẽ những món ăn đặc trưng châu Á, Mỹ… Món châu Á có cơm, nhưng chế biến thêm chứ không “nguyên bản”, còn chả giò thì chỉ lấy bánh tráng cuốn rau củ…
Làm cho các nền văn hóa khác quen món Việt, một sự giao thoa văn hóa trên bàn ăn đang có sức hấp dẫn, ít nhất cũng lan tỏa tới TP. Albany, bang New York.
Hồi trước, người ta hay mướn đầu bếp từ Cali chế biến món Việt, được khen ngon, vậy phải chế biến sao cho nhiều người ở Mỹ ăn được. Món Việt kiểu Mỹ là đặc trưng của Miss Saigon Pho. Chỉ riêng bánh mì theo gu Mỹ 12 USD/ổ đã thành công. Chả giò 10 USD 4 cái, chả giò tôm thịt 3 USD/cái; phở chay 14,75 USD/tô, cao nhất là phở bò – 15.99 USD/tô; bún bò Huế 15,99 USD/tô; gỏi cuốn 3 USD/cuốn. Cà-phê đá hay nóng cùng một giá 6,25 USD/ly trong khi café kiểu Mỹ chỉ khoảng 2 USD.Tiệm nhỏ, gọn, bán từ 11 giờ tới 9 giờ tối là đóng cửa.
Còn tiệm bánh mì 47 ngay đường lớn ở Downtown Albany, chủ là người Việt, vợ người Mỹ, làm bánh mì khéo – khẩu vị Mỹ- cũng pâté gan, chả lụa, cũng dưa chua, ớt, bơ, nước xốt, chỉ khác là thịt ít mỡ và thường dùng thịt bò.
Chung quanh tiệm Bánh mì 47 là khách sạn.Nhiều lúc, người ta xếp hàng chờ mua. Cà phê ở đây pha theo khẩu vị Việt Nam, nước đá đập ra, xài sữa đặc có đường, vị đậm đà. Gói cà phê rang xay mang về pha có nhãn hiệu “Nguyen coffee”, chủ tiệm nói nguyên liệu nhập từ Việt Nam, chế biến ở Brooklyn, New York. Trên bao bì in bản đồ Việt Nam, không quên những chấm nhỏ định vị Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Tiệm này tập trung món bánh mì, cà phê và là nơi độc nhứt ở Albany bán bánh mì chay. Một ổ bánh mì đặc biệt giá 8,34 USD, rẻ hơn bánh mì xíu mại chay giá 9,26 USD/ổ, nhưng mắc hơn bánh mì thịt gà 7,40 USD/ổ. Tiệm Bánh mì 47 bán từ 9 giờ sáng tới 6 giờ chiều. Ngày cuối tuần chỉ bán tới 3 giờ chiều, thứ hai nghỉ.

Bánh mì 47 và cà phê Nguyen ở Albany, bang New York. Ảnh Khánh Mai.

Mỹ hóa trẻ Việt
Các trường học có chương trình khuyến khích học sinh học hỏi cách chọn rau trái, cách chế biến món ăn, nắm bắt xu hướng tiêu dùng. Đặc biệt là “mua sắm thông minh, ăn uống đúng cách” khi vật giá leo thang. Tại trường hay các trạm xe buýt có câu “Money is tight but we eat right (Tiền bạc chật hẹp, chúng ta ăn uống đúng cách). Ở trường bọn trẻ được chơi các môn thể thao… và đó là cơ hội để dạy ăn đủ chất, hiểu biết về thực phẩm, tiết kiệm tài nguyên; không khuyến khích mua nhiều khi chưa cần thiết….
Về nhà, hành vi trẻ có thay đổi như ăn nhiều rau cải, trái cây hơn, ít đồ ngọt, để ý hạn dùng và thích đi chợ farm để vừa cảm nhận trực quan cách gieo trồng, chọn lựa những loại có thể để lâu hư. Giữa tháng 12, sau Lễ Tạ Ơn tới Noel, chợ farm ít đồ của nông trại nên lấy nhiều sản phẩm từ vùng khác. Không giống như mùa hè, thực phẩm từ nông trại rất phong phú.Người ta tổ chức nhiều điểm bán đồ tươi, chia ra nhiều khu. Các nông trại bán táo, trái cây, rau củ… Các trường tổ chức cho học sinh về nông trại tham quan, cùng thu hoạch phần còn sót lại.
Mùa màng thu hoạch rộ vào mùa thu, chợ nào cũng đẹp, hàng hóa trưng bày sung túc. Nhiều người thích đi chợ farm, về đồng quê vào mùa này. Từ nhỏ, các con tôi thích đi chợ Adam Farm, đảo một vòng rồi ra khu đồ ăn chế biến sẵn. Đồ ăn ở chợ Adam không rẻ, nhưng là hàng tươi và là sản phẩm hữu cơ. Chợ farm giảm giá, hàng mới, mua về để dành lâu hư.

Trong siêu thị ở Albany, bang New York.

Biết đủ là đủ
Mẹ tôi đã ngoài 80. Ngày Tết, không quên nồi thịt kho rệu. Bao giờ, cũng phải có lá chuối để trên mặt nồi thịt để có màu vàng ươm, mềm, vậy là đủ. Anh tôi thường đi chợ chọn lá chuối còn tươi theo ý mẹ để gói bánh tét. Từng chịu sự chi phối từ nguồn cung Trung Quốc, Thái Lan, nay đã có lá chuối Việt. Nhưng lá chuối đông lạnh không thể thơm như lá chuối tươi vì mất cái mùi tự nhiên của xứ sở.
Còn nhóm “lòng tong” chúng tôi, lo bữa ăn chay ngày mùng một Tết cùng với mẹ. Làm mắm chay, theo công nghệ từ hồi ở quê tới giờ. Lấy khóm chiên lên cho thơm, xắt mịn, trộn củ cải đỏ xắt nhuyễn, thính gạo vô cho thơm. Các cháu sinh bên Mỹ cũng thích món này.
Bao giờ chúng tôi cũng tìm mua chao ở chùa Phước Lâm do người Việt làm tại Connecticut. Món dưa cải thì ngâm với nước muối, con cháu cùng làm.Mùa đông không có nắng thì để lò sấy cho heo héo.Đó là cơ hội để tụi nhỏ nhớ nguồn cội. Nhiều đứa còn tham vọng biến món Việt thành “sứ giả”, làm gỏi bò, làm nước mắm tỏi ớt, thật cay, tặng cho người quen từ các nền văn hóa khác, và nhận được lời khen “ngon hơn cả nhà hàng”.
Bà bạn Queenie, người Philippines rất thích món Việt. “Ba đứa con trai ở nhà mê chả giò, nhưng làm hoài không sao giống được. Chiên là bể hết, lúc thì khô quá”, bà nói.Cách tinh tế nhất của bà Queenie là làm một món bánh Philippines tặng cho bạn Việt để có cơ hội nhận lại “phiên bản” chả giò.
Nhớ hồi Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM tổ chức sự kiện “United Taste” (mỹ vị Hoa Kỳ) và gần đây là chiến dịch “Thực phẩm châu Âu & Việt Nam: Sự kết hợp hoàn hảo!” do EU phát động tại Việt Nam, tôi cứ nhìn tiệm Bánh mì 47, nhìn Miss Saigon Pho – món Việt gu Mỹ và thầm mong dấu chân ẩm thực Việt in đậm hơn trên bản đồ Âu, Mỹ.
Viết từ bang New York Khánh Mai & Maggie (theo TGHN)