Học người Hà Lan sống chung với lũ

Maeslantkering, một cửa biển khổng lồ hình thành cách đây nhiều thập kỷ để bảo vệ cảng Rotterdam:

Biến đổi khí hậu đang gây ra không ít tổn thất đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng tại Hà Lan, quốc gia có phần lớn diện tích nằm ngang bằng hay thấp hơn mực nước biển, biến đổi khí hậu lại là cơ hội.

Nằm ở phía tây bắc của châu Âu và nhìn ra Biển Bắc, Hà Lan được biết đến như đất nước nằm thấp nhất so với mực nước biển trên thế giới. Tại đây, khoảng 27% diện tích và 60% dân số nằm ở khu vực có độ cao dưới mực nước biển.

Vẫn bình yên sống

Ngay từ những ngày đầu lập quốc, người dân Hà Lan luôn phải nghĩ cách chống lại lũ lụt và bồi đất lấn biển. Không một quốc gia nào ở châu Âu bị đe dọa bởi nước nhiều như đất nước nhỏ bé nằm bên rìa lục địa này. Phần lớn đất đai nằm dưới mực nước biển và đang dần chìm. Giờ đây, biến đổi khí hậu còn mang lại viễn cảnh về triều cường và những trận bão mạnh.

Thế nhưng trong bao năm qua, người dân Hà Lan vẫn sống bình yên nhờ những công trình chống lụt và chống sóng biển kiên cố. Ngày nay, Hà Lan là một nước nông nghiệp, công nghiệp phát triển và là nước đứng đầu thế giới về quản lý tài nguyên nước, công nghệ xử lý nước thải, môi trường, cũng như xây dựng các công trình dưới nước hoặc gắn liền với nước. Giống như pho mát ở Pháp hay xe hơi ở Đức, biến đổi khí hậu là một ngành kinh doanh tại Hà Lan. Những đoàn chuyên gia từ những nơi xa xôi như Jakarta, TP.HCM, New York… vẫn thường đến Hà Lan để học tập kinh nghiệm ứng phó với thiên tai.

Diện tích Hà Lan rất nhỏ, chỉ khoảng 41.000 km2, cho nên đất là một tài sản vô cùng quý giá. Nước len lỏi ở khắp nơi qua hệ thống kênh ngòi chằng chịt. Từ thế kỷ X, người Hà Lan đã trị thủy bằng cách đắp đê và khoảng 400 năm sau đó, họ lại tìm cách giành lại đất với sự hỗ trợ của phát minh kỳ diệu vẫn tồn tại đến ngày nay: cối xay gió.

Người Hà Lan nhận ra rằng, nếu không thể chinh phục được Mẹ thiên nhiên thì hãy sống chung với nước, tận dụng nước thay vì đấu tranh để đánh bại nó. Ông Aboutaleb, Thị trưởng thành phố Rotterdam, cho biết: “Nếu nước tràn vào từ sông hoặc biển, chúng tôi chỉ có thể sơ tán khoảng 15 trên 100 người. Vì vậy việc di tản không phải là một lựa chọn. Chúng tôi phải học cách sống với nước”. Người Hà Lan xây dựng hồ, bãi đỗ xe, công viên và trung tâm thương mại, những công trình phục vụ cuộc sống hàng ngày nhưng cũng có thể trở thành các hồ chứa khổng lồ khi nước biển và sông tràn vào.

Một quảng trường nước trong khu vực Spangen ở Rotterdam được tạo ra để chắn giữ nước lũ:

Người Hà Lan ứng phó với ngập lụt bằng rất nhiều cách, từ những cách rất nhỏ, như trong các khu vườn, người dân không lát gạch hay đổ bê tông mà đổ đất để có thể hấp thu tối đa nước mưa. Hà Lan cũng có một ứng dụng định vị GPS được tạo ra để người dân luôn biết chính xác họ đang cách mực nước biển bao xa. Người Hà Lan được sử dụng hồ bơi công cộng không hạn chế, mọi trẻ em đều phải được học bơi. Rem Koolhaas, kiến trúc sư người Hà Lan, cho biết bơi là một phần cơ bản của nền văn hóa Hà Lan, như đi xe đạp vậy.

Và đối với các nhà chức trách Hà Lan, việc làm chủ môi trường và xã hội nên đi đôi với nhau, bao gồm: cải thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh quản lý mặt bằng và trị thủy. Việc thích ứng thiên nhiên, nếu được giải quyết từ đầu và đúng cách, sẽ tạo ra một quốc gia hùng mạnh và giàu có.

Những công trình kỳ vĩ

Hà Lan được biết đến bởi những công trình chắn lũ kỳ vĩ, trong đó có hệ thống rào chắn ngăn lũ Maeslantkering được xây dựng gần cửa biển, cách khoảng nửa giờ lái xe về phía Tây, tính từ trung tâm thành phố Rotterdam.

Maeslantkering là kết quả của hàng loạt thiên tai trong lịch sử. Năm 1916, khi Biển Bắc áp đảo bờ biển Hà Lan, một loạt công trình bảo vệ bờ biển đã được khánh thành. Tuy nhiên chúng không thể ngăn được cơn bão năm 1953: hơn 1.800 người đã chết chỉ sau một đêm vì nước lũ. Người Hà Lan đã nỗ lực gấp đôi để hoàn thành dự án Delta Works, nối từ tỉnh Zeeland đến South Holland với 15 hạng mục công trình chính, trong đó có Maeslantkering. Cửa chắn biển khổng lồ này hoàn thành năm 1997, mở ra con đường thủy phục vụ toàn bộ cảng Rotterdam.

Bảo vệ cảng Rotterdam là điều tối quan trọng vì hải cảng bận rộn nhất thế giới này cũng là cảng quan trọng nhất châu Âu, phục vụ cho hàng chục ngàn lượt tàu từ khắp nơi trên thế giới mỗi năm. Cảng Rotterdam đang tạo ra 90.000 việc làm, chưa kể 90.000 nhân công tại các doanh nghiệp khác cũng phụ thuộc vào cảng. Trong bất kỳ trường hợp nào, việc vận chuyển an toàn các loại nguyên liệu, chưa kể đến trách nhiệm bảo vệ người dân khỏi nước lũ, đều phụ thuộc vào Maeslantkering.

Để có giấy chứng nhận bơi lội, học sinh lớp 5 ở Hà Lan phải thực hành bơi trong hồ khi mặc thường phục.

Ý tưởng về cửa chắn lũ Maeslantkering được thảo luận nhiều thập kỷ trước. Đây là một công trình đáng kinh ngạc về mặt kỹ thuật. Công trình gồm hai cánh cổng hình vòng cung có thể đóng mở được nằm hai bên bờ kênh. Mỗi cánh cổng gắn với một cánh tay dài bằng tháp Eiffel và nặng gấp đôi tòa tháp.

Khi cửa đóng lại, cánh tay nổi lên mặt kênh, nước được bơm vào cổng và cánh cổng chìm xuống, tạo thành một bức tường thép không thể xuyên thủng đối với Biển Bắc. Quá trình này mất 2 tiếng rưỡi.

Máy tính, sử dụng hệ thống điện tử khép kín để tránh các cuộc tấn công mạng, sẽ theo dõi lượng nước biển mỗi giờ và có thể đóng cửa hoặc mở cửa tự động. Một điều nữa cũng rất quan trọng: 30 chiếc máy bơm bên trong cổng được kết nối với một trong những lưới điện của Hà Lan. Máy bơm sẽ đẩy nước ra khỏi ống khi đến lúc mở cổng Maeslantkering.

Nếu mạng lưới điện không hoạt động, còn có một mạng lưới dự phòng và phương án cuối cùng là chạy máy phát điện. Việc cổng đóng rồi không mở ra lại còn nguy hiểm hơn cả việc cổng không đóng. Trong trường hợp đó, nước đổ từ sông Rhine và sông Meuse không thể chảy ra biển và sẽ nhấn chìm Rotterdam, thậm chí nhanh hơn nước từ Biển Bắc.

Người Hà Lan từ lâu nổi tiếng với câu nói “Chúa đã tạo ra thế giới, nhưng chính người Hà Lan đã tạo ra đất nước Hà Lan”. Điều này cho thấy những nỗ lực to lớn không ngừng nghỉ của người Hà Lan đã tạo nên một đất nước xinh đẹp và phát triển như ngày nay.

Ngọc Trung (theo The New York Times)