Phương tiện và đời người

    Có khi phương tiện chỉ đơn giản là tìm cách sống an nhiên cho đời mình. Tranh khắc gỗ của Nguyễn Thái Tuấn
    Bài viết này ra đời là nhân việc đọc cuốn Phương tiện và Cách mạng, gây cho tôi nhiều suy tư về những ràng buộc giữa sự sống – chết của đời người với phương tiện.
    Cuốn sách do Trương Trọng Hiếu, hiện đang làm nghiên cứu sinh triết tại Đức, chuyển ngữ từ nguyên tác tiếng Đức: Medium und Revolution của triết gia Peter Trawny. Nhưng những gì tôi viết dưới đây ít dính dáng gì mấy đến nội dung cuốn sách mà chỉ ngụ ý về hai chữ “phương tiện” chuyên chở ta đến cuộc đời này là gì – theo góc nhìn của tôi.
    Phương tiện là gì mà khiến cho ta rất khó vượt thoát?
    Hầu hết người ta từ khi có tâm thức này – biết cười, biết khóc, dù là người nghèo nàn hay kẻ giàu có đều ít nhiều vì phương tiện mà lận đận trong suốt cuộc bình sinh. Bởi phương tiện cũng có những “chân trời” (horizon) dời đổi theo sự hiện hữu và tâm ước muốn của ta. Ta theo đuổi phương tiện, và có lúc hơi “mê ngủ” trên đường đời, tưởng nhầm những chân trời phương tiện ấy là mục đích sống, rồi cứ thế ta rong ruổi theo chúng bốn mùa và thậm chí là hết cuộc đời, mà đời người thì đâu biết dài bao lâu, còn ước muốn sở hữu những phương tiện thì cứ tiến triển mãi không cùng.
    Peter Trawny viết: “…So với những kẻ giấu mình trong hào quang (xa xỉ) của phương tiện thì, về cơ bản, tất cả những ai nói chung còn quan tâm đến yếu tố kinh tế trong đời sống của họ – đến tiền, phương tiện của đời sống ấy – đều nghèo. Anh trở thành nô lệ của đồng tiền, trong khi sự giàu có phải xuất phát từ tự do trước tiền bạc” (Peter Trawny, sđd, tr.49)
    Cho đến Nguyễn Bỉnh Khiêm, trải qua bao cuộc bể dâu, những được – mất; hơn – thua trong đời không đủ sức gây lận đận nữa, nên trong cảnh nhàn, tâm thái ông như là: “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá/ Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao/ Rượu đến cội cây ta hãy uống/ Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”.
    Song đấy là sống theo thể cách tùy duyên trong thế giới phương tiện, không còn bị kẹt, thả mình trôi theo dòng đời, chứ nói đến tự do thoát khỏi phương tiện thì chắc chưa thể toàn vẹn được. Thật ra cũng không dám lạm bàn, vì ta không phải ông, ta không chắc là ông có tâm lý đợi sản phẩm mùa; đợi rượu đến cội cây hay không. Nếu ông tuyệt không có tâm lý đợi mới là đạt đến sự tự do tự tại đích thực. Đó cũng chính là trạng thái hạnh phúc và viên mãn cá nhân – tôn chỉ mà Epictetus từng truyền dạy.
    Ta phải có cái nhìn chân thực hơn, hễ có thân thì có già, bệnh và chết là thuận lẽ tự nhiên. Song ta muốn dùng phương tiện để ngăn chặn tính tự nhiên trôi chảy ấy, ắt phải trả một giá nhất định nào đó. Mỗi người sinh ra đời này đều mang theo nghiệp quá khứ của riêng mình, gọi là biệt nghiệp. Vì thế đời sống và sự chết của từng người cũng theo những thể thức không ai giống ai, và dù bạn tu hành tinh tấn đến đâu thì cũng khó hòng chuyển hết nghiệp xấu hoàn toàn được. Như Cồ Đàm còn bị nạn kim thương và mã mạch, và trước khi nhập diệt vẫn còn bị nhiễm độc thức ăn do phẩm vật dâng cúng cuối cùng của cư sĩ Thuần Đà (Cunda). Vị đại đồ đệ của Ngài là Đại Mục Kiền Liên (Mahà Moggalàna) có thần thông quảng đại bậc nhất vẫn không thoát khỏi cảnh bị xâm hại xác thân lúc cuối đời, ngài Xá Lợi Phất (Sàriputta) cũng phải trải qua một đêm dài đau bụng, đi tiêu mấy chục lần mới viên tịch được.
    Phương tiện luôn là con dao hai lưỡi
    Sinh tử nhập nhằng thế đấy, “trông người mà ngẫm đến ta, một dày một mỏng biết là có nên” (Kiều – Nguyễn Du)? Trong cuộc hành trình dài vượt dòng sinh tử khi càng gần đến đích thì vẫn có thể xảy ra đại nạn càng nhiều. Vậy nên ta hãy hết sức dè dặt, chớ xem một hiện tượng như sự khó viên tịch của các thiền sư ngày nay mà cho rằng họ tu còn kém hay sai pháp. Và phải hiểu phương tiện là con dao hai lưỡi (ở đây tôi nhằm chỉ đến phương tiện chăm sóc y tế) có thể tốt và cũng có thể rất không tốt. Ta là phận học trò, là phận làm con cái thì cũng nên cân nhắc kỹ lưỡng, không nên lạm dụng phương tiện này để kéo dài mạng sống của thầy, của cha mẹ theo thể cách không thuận lẽ tự nhiên, tránh việc thương quá mà hóa thành hại.
    Khi lẩy câu Kiều trên, tôi chợt nhớ đến đại thi hào Nguyễn Du lúc lâm bệnh, ông quyết không dùng thuốc, cho đến khi mất. Tương truyền, sinh thời ông đã trì tụng một ngàn biến kinh Kim cang bát nhã, thì chắc hẳn là người nhìn nhận khoảng cách giữa sự sống và cái chết chỉ là khoảnh khắc như việc trở một bàn tay. Ở trời Tây, có một số triết gia phái Stoa cũng từng như thế, họ là những bậc hiền minh lừng danh với lối sống khắc kỷ, như Zeno thành Citium, Epictetus, Marcus Aurelius… không chỉ là những bậc thầy truyền trao tri thức cho hậu thế, mà còn thể hiện sự thân giáo qua lối sống của mình, không để tâm tình duyên theo những chân trời phương tiện, mà chỉ theo đuổi tri thức, và chấp nhận cái chết một cách bình thản.
    Phương tiện là một điều kiện có thể đưa ta đến tự do, mà cũng có thể vây hãm đời ta miên trường. Khi tôi đang gõ những dòng chữ này là đang dính vào phương tiện. Cho đến “cái chết, cõi chết, người chết hoàn toàn có mặt trong phương tiện. Các hình ảnh và câu chuyện về cái chết lưu truyền ở mọi nơi. Phương tiện sống nhờ cái chết” (Peter Trawny, sđd, tr.51). Sự sống đã kẹt vào phương tiện, đến sự chết cũng làm duyên cho phương tiện. Vậy làm sao ta có thề thoát khỏi? “Chỉ có cái chết mới giải thoát
    chúng ta khỏi phương tiện”
    Như vậy, phải chăng ta chỉ còn cách lựa chọn phương tiện phù hợp, cần và đủ mới là khôn ngoan, mới có tự do trong chừng mực nào đó? Khi người ta đã tự tại với cuộc sống, thì tất yếu cũng sẽ tự tại với cái chết, sẵn sàng đối mặt với cái chết một cách bình thản, và sống mỗi ngày như thể là ngày cuối cùng.
    Nguyễn Duyên (Theo TGHN)
    Mới lạ với bún rau má từ Duy Anh Foods