Thước đo nào giúp trẻ tự tin và tiến bộ hơn?

    Quan sát các con rất năng động khi tham gia các hoạt động ngoài trời là cách thức chúng ta có thể phát hiện ra khả năng tự thân của mỗi học sinh. Ảnh: Trí Giang
    Trong một cuộc họp đại diện ban phụ huynh, nhiều phụ huynh phát biểu rằng trường cần tuyển đầu vào chặt để sàng lọc học sinh. Hoặc là tách những bạn học khá riêng một lớp, hoặc những bạn học kém hay có vấn đề về hành vi thì học riêng một lớp. 
    Việc xếp loại học sinh này là giỏi, học sinh kia là kém có phải là một định kiến hay không, bởi vì một học sinh có thể rất giỏi ở thời điểm này, nhưng lại sa sút vào thời điểm khác, rất giỏi môn học này, nhưng lại kém môn học khác, hoặc rất giỏi học tập, nhưng lại không giỏi vui chơi. Mang một thứ công cụ đánh giá duy nhất và cứng nhắc để áp đặt lên đứa trẻ, liệu có thỏa đáng hay không?
    Đứa trẻ “bị” đánh giá ra sao
    Trong những năm gần đây, chúng ta đã xoay xở đủ mọi cách để đánh giá một đứa trẻ. Từ việc đánh giá bằng điểm số, chúng ta chuyển sang đánh giá không bằng điểm số. Từ việc tuyển đầu vào bằng các bài thi, chúng ta bỏ thi. Từ đánh giá kiến thức, giờ đây lại “rộ mốt” đánh giá năng lực. Mỗi khi tiêu chí và hình thức đánh giá thay đổi, là trường học lại chao đảo, phụ huynh lại hoang mang, các lò luyện thi lại rúng động. Và cả xã hội đều nín thở để trông đợi những thay đổi về chính sách thi cử, như thể thi cử là đích đến duy nhất của tất cả chúng ta.
    Nhưng có một thứ đã bị bỏ qua trong tất cả những biến động đó: là đứa trẻ.
    Khi cuộc chạy đua vào các trường trở nên căng thẳng, hầu như đứa trẻ nào cũng được gửi đến một lò luyện thi nào đó, làm đi làm lại các bài tập hại não, để mong lọt được vào các khe cửa vô cùng chật hẹp – cánh cổng trường chuyên.
    Khi thành phố tuyên bố bỏ các kỳ thi tuyển đầu vào các trường cấp 2, đứa trẻ bắt đầu bị lôi tới các lớp năng khiếu, tham gia hết cuộc thi này đến cuộc thi khác, nhằm kiếm được một tấm huy chương hay danh hiệu nào đó, để có thể giành tấm vé vào một trường mà bố mẹ chúng cho là tốt.
    Khi bỏ đánh giá bằng điểm số, năng lực của đứa trẻ được ghi nhận bằng hai lần thi. Giả dụ như chẳng may chúng ốm, mệt, lười học vào đúng thời điểm thi đó, thì có nghĩa là chúng sẽ được dán nhãn là học sinh không hoàn thành nhiệm vụ.
    Ai cũng mong muốn sẽ tạo nên một thế hệ tương lai tự tin, nhân ái, ham học hỏi, giỏi thích ứng, vì chúng ta đều biết đó là nền tảng để con người có thể tồn tại ở bất cứ một môi trường nào, nhưng chúng ta lại không có thước đo nào để đo được sự tự tin, lòng nhân ái, khả năng thích ứng và niềm ham học hỏi đó.
    Đừng xem trẻ như một cỗ máy
    Đứa trẻ hiện diện trước mặt chúng ta là một sự sống chỉnh thể trong trẻo và tươi mát, xinh đẹp, sống động như vậy, cuối cùng lại được nhìn nhận chẳng khác nào một cỗ máy. Chúng ta đo chiều cao, cân nặng của chúng, test thử các tính năng của chúng (có biết đánh nhau không, có biết bơi không, có biết đàn không, có biết múa không, có biết hát không). Chúng ta so sánh chúng với nhau (giống hệt như chúng ta so sánh điện thoại Samsung với điện thoại iPhone). Chúng ta tháo từng phần của cỗ máy đó ra để đo đạc (chúng ta cân thử khả năng học toán của chúng, rồi lại cân thử khả năng học văn của chúng…). Chúng ta chọn một thời điểm nào đó trong năm để đăng kiểm chúng, hệt như đăng kiểm ô tô. Việc đánh giá trẻ như một cỗ máy, tháo dỡ chúng từng phần, đăng kiểm chúng vào một thời điểm nào đó, khiến cho cả bố mẹ và đứa trẻ, cả giáo viên đã quên mất phần người bên trong mỗi đứa trẻ đó.
    Tôi mong đợi giáo viên sẽ viết cho con thế này: Con thật là hài hước. Tạo nên niềm vui cho mọi người là một thế mạnh của con. Con sinh ra trong cuộc đời để mang lại tiếng cười cho mọi người. Vậy nên hãy thực hiện sứ mệnh này con nhé.
    Hoặc là: Con thật là một đứa trẻ nhân ái. Hôm nay con đã bênh vực bạn P khi bạn ấy bị bắt nạt. Con sinh ra là để chia sẻ và giúp đỡ. Đừng quên phát huy thế mạnh này của con.
    Hoặc là: Con thực là một đứa trẻ sáng tạo nhất mà cô biết. Làm sao từ những thứ vặt vãnh bỏ đi như vậy, con lại có thể tạo nên một chiếc quạt điện độc đáo như vậy. Con có thiên hướng trở thành một nhà khoa học. Hãy đọc thật nhiều sách khoa học để không lãng phí tiềm năng này.
    Cha mẹ không thể là những đốc công
    Những nhận xét giúp cho trẻ không chỉ để đo lường những trạng thái hiện tại, mà còn để định hướng, nó chỉ có ý nghĩa khi không những cho trẻ biết mình đang ở mức nào, mà còn có thể cho chúng biết chúng có thể đi tới đâu. Nhiều đứa trẻ có xuất phát điểm rất thấp, nhưng tiềm năng học tập của chúng lại vô cùng lớn. Việc tìm ra những ưu điểm của trẻ, giống như một hoa tiêu, chỉ cho đứa trẻ con đường tốt nhất mà chúng cần đi trong cuộc đời, trở thành một công cụ giúp cho đứa trẻ tự khám phá chính bản thân mình, nhận ra những thế mạnh của mình, tự tin đi trên con đường của chính mình.
    Vì thế, ngay cả khi đứa trẻ thất bại, sai lầm và kém cỏi, chúng ta vẫn có thể có cách để tạo nên động lực học tập, nỗ lực vượt qua thất bại của chúng.
    Sự ghi nhận: con đã tiến bộ so với con ngày hôm qua cho trẻ cơ hội được quan sát bản thân trong một quá trình. Về cơ bản, mỗi đứa trẻ đều đang lớn lên, nên bao giờ chúng cũng tiến bộ hơn so với chúng ngày hôm qua, chỉ có điều mức độ tiến bộ của chúng trong các thời điểm, trong các hoạt động là rất khác nhau, và sự đánh giá của người lớn có thể giúp con nhận ra được lộ trình phát triển, sự thay đổi của chính bản thân chúng. Nếu có giải thưởng, thì hãy trao giải vì: Con đã tiến bộ hơn so với con ngày hôm qua.
    Đứa trẻ đang không ngừng lớn lên, song mỗi đứa trẻ lại có lộ trình phát triển rất khác nhau, có những giai đoạn tăng tốc, song lại có những giai đoạn thụt lùi, giai đoạn quá độ. Nếu kiên nhẫn và bình tĩnh theo dõi trẻ trong một quá trình dài, chấp nhận những thụt lùi, quá độ, những điểm bất động đó như một phần tất yếu của sự phát triển, ta sẽ không quá hoang mang, hốt hoảng mỗi khi con thất bại, sai lầm và thậm chí có thể vui khi đón nhận những sai lầm, thất bại đó của con, vì đó là những bước chuẩn bị cần thiết cho một hành trình bứt phá. Và tôi mong rằng người lớn chúng ta không được quên điều này: đứa trẻ là một con người đang hiện diện với vô vàn những chiều kích khác nhau. Chúng đang không ngừng lớn lên và thay đổi theo những quy luật nội tại của tự nhiên và của chính bản thân chúng chứ không phải theo những kỳ vọng của chúng ta. Toàn bộ sự sống và con người của chúng hiện diện ở tương lai, chứ không phải nằm ở quá khứ và hiện tại (chúng là cái chúng có thể trở thành).
    Nếu nghĩ như vậy, chúng ta chắc chắn sẽ cảm thấy niềm hạnh phúc của một người gieo hạt, thay vì luôn cảm thấy áp lực của một đốc công chuyên “sản xuất” học sinh giỏi.
    Nguyễn Ngọc Minh – Giảng viên Đại học sư phạm Hà Nội (Theo TGHN)
    Bài học về tình thương dành cho cha mẹ