Với màu vàng óng, vị ngọt bùi và bọt sóng sánh, loại bia mới nhất của nhà máy Neuzelle Kloster Brewery có hình thức lẫn mùi vị như bia truyền thống, tuy nhiên loại bia mới này được pha chế chỉ với nước và bột. Công thức hoàn thiện đầu năm nay là phiên bản không chứa cồn lẫn CO2 nên không có bọt. Neuzelle Kloster Brewery đang phát triển phiên bản có cồn, tìm cách tạo bọt để sản phẩm giống bia hơn.
Bia dạng bột có thể khó bán tại Đức vì nước này có luật Reinheitsgebot (tồn tại 500 năm qua) về độ tinh khiết của bia. Cũng không rõ sản phẩm có được bán ra thị trường nội địa với phân loại là bia hay không, luật quy định rõ thành phần bia chỉ có mạch nha, hoa bia, men và nước. Do đó, thị trường mục tiêu chính của loại bia mới sẽ là châu Phi và châu Á. Dạng bột giúp dễ vận chuyển xa, chi phí vận chuyển rẻ hơn nhiều so với dạng chai. Theo tổ chức lượng khí thải carbon Impact CO2, hoạt động đóng gói – vận chuyển chiếm 70% tác động môi trường của mỗi lít bia. Ngoài dễ vận chuyển thì bia dạng bột cũng giúp tiết kiệm thời gian, vì sản xuất trong phòng thí nghiệm nhanh hơn sản xuất truyền thống. Neuzelle Kloster Brewery đang làm việc với các nhà đầu tư với hy vọng tung sản phẩm ra thị trường trong vòng 4 tháng tới.
Sức tiêu thụ trứng của nhiều doanh nghiệp sản xuất, bếp ăn công nghiệp giảm mạnh khiến trứng gà giá chỉ từ 14.000-18.000 đồng/chục, bằng 2/3 so với năm ngoái. Tại các siêu thị, mặt hàng trứng gà cũng có nhiều chương trình khuyến mãi như tặng thêm trứng, giảm giá… như trứng gà tươi Gfood giá bán từ 31.500 đồng/chục giảm còn 28.500 đồng/chục; trứng gà ta Vfood từ 46.000 đồng/chục, giảm còn gần 39.900 đồng/chục.
Ông Trương Chí Thiện – Tổng giám đốc Công ty TP Vĩnh Thành Đạt – cho biết, đơn vị cung ứng trung bình từ 700.000 – 1 triệu quả trứng/ngày ra thị trường. Theo ông, doanh số trứng thời gian gần đây sụt giảm khá nhiều. Theo ông Thiện, trứng có 2 kênh tiêu thụ chính. Đối với kênh bán ở siêu thị, các gia đình mua về chế biến thức ăn thì không bị ảnh hưởng nhiều, thậm chí cả ở giai đoạn suy thoái kinh tế, lạm phát, dịch bệnh… trứng vẫn là mặt hàng bán tốt hơn vì giá rẻ, dinh dưỡng cao nên được khách hàng ưu tiên lựa chọn. Tuy nhiên, thị trường trứng hiện nay “dội” chợ là do kênh bán cho các đơn vị sản xuất. Ví dụ như lò bánh, bếp ăn công nghiệp… “Hiện nay chúng tôi bị giảm từ các kênh này đến 30 – 40%. Trứng dư thừa nên các siêu thị, điểm bán trứng liên tục giảm giá: mua 10 tặng 2, thậm chí mua 10 tặng 6… hoặc giảm giá từ 10-20% nhằm kích cầu. Khuyến mãi nhiều cầm chắc lỗ, ảnh hưởng rất nhiều đến nông dân” – ông Thiện cho hay.
Đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cho biết, trứng gà bị ùn ứ do nghỉ lễ kéo dài, sản lượng tiêu thụ sụt giảm nên nhiều đơn vị phải bán giá rẻ để xả hàng. Hiện nay, giá trứng gà bán sỉ tại trại nuôi chỉ 1.650 đồng/quả, thấp hơn giá thành khoảng 500 đồng/quả nhưng người nuôi phải gồng lỗ vì không có giải pháp nào tốt hơn.
Giá lợn hơi ngày 29/5 đang dao động từ 55.000 – 61.000/kg. Điều đáng nói chỉ trong vòng 5 ngày qua, giá lợn hơi tăng 10.000 đồng/kg. Ghi nhận từ đầu tháng 5 đến nay, giá lợn hơi trong nước hồi phục mạnh trên diện rộng, tại nhiều tỉnh thành, giá lợn hơi xuất chuồng đã cán mốc 61.000 đồng/kg, tăng đến 20% so với mức giá trung bình hồi tháng 2 năm nay. Đây là mức tăng cao nhất từ đầu năm đến nay. Dự báo, thị trường lợn hơi trong nước vẫn đang trên đà tăng giá. Nguyên nhân do thị trường tiêu thụ tăng lên trong khi nguồn cung không còn dồi dào.
Tuy nhiên, theo quan điểm của các chuyên gia thuộc Sàn hàng hoá Việt Nam, giá lợn hơi thời gian tới có tăng mạnh hay không phụ thuộc nhiều vào nhu cầu người tiêu dùng trong nước. Ghi nhận hiện tại thì thị trường tiêu thụ thịt lợn trong nước vẫn khá ảm đạm. Cũng theo chuyên gia, với mức giá hiện tại, các công ty, doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi khép kín, tối đa hoá chi phí đầu vào đã bắt đầu có lợi nhuận.
1. Lượng du khách Đông Nam Á đến Hàn Quốc tăng trưởng mạnh
Rất nhiều du khách từ các nước Đông Nam Á đang đổ về Hàn Quốc. Lượng khách du lịch từ các quốc gia này lần đầu tiên vượt qua lượng khách du lịch từ các thị trường truyền thống của Hàn Quốc là Trung Quốc và Nhật Bản. Khách du lịch từ Trung Quốc và Nhật Bản từng đông đúc trên đường phố của khu du lịch ở trung tâm Seoul nhưng đã giảm mạnh về số lượng trong đại dịch Covid-19. Năm 2019, 4,89 triệu khách du lịch Trung Quốc đổ xô đến Hàn Quốc theo dữ liệu của Viện Văn hóa & Du lịch Hàn Quốc (KCTI). Con số này đã giảm 90,8% xuống còn 451.000 vào năm 2020 và giảm 96,7% từ đó xuống còn 15.000 vào năm 2021. Khoảng 66.000 công dân Trung Quốc đã đến Hàn Quốc vào năm 2022.
Lượng khách du lịch từ 6 quốc gia Đông Nam Á bao gồm Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Philippines, Singapore và Indonesia đã giảm trong cùng kỳ, nhưng đang tăng trở lại với tốc độ hấp dẫn. Gần 2 triệu khách du lịch thăm Hàn Quốc đến từ Đông Nam Á vào năm 2019. Con số này giảm xuống còn 60.000 người vào năm 2021. Một năm sau, lượng khách tăng gấp 10 lần lên hơn 600.000 và chỉ riêng trong quý đầu năm nay đã có 278.000 người đến Hàn Quốc. Ngoài ra, khách du lịch Đông Nam Á cũng đã ngang bằng với khách du lịch Trung Quốc về sức mua và độ “chịu chi”. Khách du lịch từ 6 quốc gia Đông Nam Á đã chi trung bình 3.978 USD/người trong thời gian lưu trú tại Hàn Quốc vào năm 2021, trong khi khách du lịch Trung Quốc chi 4.170 USD, theo báo cáo Khảo sát Du khách Quốc tế do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố vào tháng 7 năm ngoái.
2. Nhu cầu du lịch nước ngoài của khách Ấn Độ tăng mạnh nhất thế giới
Trong khi các chuyên gia chủ yếu nói về khách Trung Quốc khi bàn luận triển vọng phục hồi ngành du lịch của châu Á, khách Ấn Độ đang tìm kiếm thông tin về các chuyến du lịch quốc tế nhiều hơn khách của bất kỳ thị trường nào. Dữ liệu của Agoda thấy rằng trong khi lượt tìm kiếm du lịch nước ngoài từ hầu hết các nước châu Á-Thái Bình Dương tăng từ 30%-60% so với năm 2019, thì số lượt tìm kiệm này của khách Ấn Độ tăng 225%. Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Indonesia là những lựa chọn hàng đầu của khách Ấn Độ. Dữ liệu của Agoda cho thấy, từ tháng 1-2019 đến giữa tháng 5 năm nay, lượt tìm kiếm khách sạn và chuyến bay của du khách Ấn Độ đến Indonesia đã tăng 256%. Con số này tăng 215% đối với Singapore và 147% đối với Thái Lan. Riêng lượt tìm kiếm khách sạn và chuyến bay đến Việt Nam của khách Ấn Độ thậm tăng 390% so với năm 2019.
Khách Ấn Độ ngày càng sẵn sàng chi tiêu lớn cho du lịch nước ngoài, cho dù đó là một kỳ nghỉ ngắn ngày ở châu Á hay một kỳ nghỉ dài ngày ở châu Âu. Theo dữ liệu của Agoda, năm ngoái, khách Ấn Độ chi tiêu nhiều hơn khoảng 30% cho khách sạn trong các chuyến du lịch quốc tế của họ so với trước đại dịch và cao hơn 20% so với mức chi tiêu trung bình của khách Trung Quốc. Ở Thái Lan, khách Trung Quốc và Ấn Độ chi tiêu cho các khách sạn ở mức ngang nhau. Vishal Suri, CEO của SOTC Travel cho biết khách Ấn Độ thích ở khách sạn 4 hoặc 5 sao cũng như các khách sạn có thương hiệu. Họ cũng có xu hướng ăn uống ở những nhà hàng cao cấp hơn là ăn ở các cửa hàng thức ăn nhanh.
3. Thị trường du lịch MICE nội địa tăng trưởng chậm trong hè này
Du lịch MICE là loại hình du lịch kết hợp hội nghị, triển lãm, khen thưởng, team building cho nhân viên công ty, đối tác. Mùa hè và cuối năm thường là thời điểm MICE bùng nổ. Ghi nhận của một số đơn vị lữ hành cho thấy hè năm nay, lượng đặt tour của các công ty không khả quan. Một trong những nguyên nhân lớn nhất của sự sụt giảm này chính là khó khăn về kinh tế. Đại diện một đơn vị lữ hành cho biết hoạt động kinh doanh của các công ty không ổn định khiến nhu cầu vui chơi, giải trí không còn được quan tâm nhiều. Theo thống kê của đơn vị này tính đến thời điểm hiện tại, tổng lượng khách đoàn chỉ mới đạt 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lượng khách đi Phú Quốc, từng là điểm nóng của du lịch MICE, cũng chỉ đạt 40% so với hè năm 2022. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng ưu tiên lựa chọn các điểm đến gần, có thể di chuyển bằng đường bộ thay vì máy bay để tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, sau dịch Covid-19, tính mùa vụ trong du lịch đã giảm khá nhiều. Du lịch MICE cũng như vậy khi hầu hết tour được khách đoàn, doanh nghiệp tổ chức quanh năm thay vì chỉ tập trung vào từng đợt như trước.
Theo dự đoán, tình hình du lịch nội địa hè năm nay có thể không có sự tăng trưởng nhiều. Đặc biệt, thị trường khách lẻ sẽ chững lại do chia sẻ thị phần với tour nước ngoài, giá vé máy bay cao… Tuy nhiên, ở thị trường du lịch đoàn thì du lịch trong nước sẽ vẫn có sự tăng trưởng theo nhận định của bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp Thị – Truyền Thông Vietluxtour. Nguyên nhân có thể kể đến là do hoạt động MICE tour hiện đã nằm trong chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp với các chương trình du lịch kết hợp hội thảo, trao thưởng, phát triển đội nhóm, chăm sóc khách hàng, đại lý… Theo thống kê của Vietluxtour, các tuyến điểm du lịch được khách MICE lựa chọn nhiều nhất có thể kể đến Phan Thiết, Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh… Tương tự, Vietravel cũng ghi nhận các điểm đến biển, đảo có thể “trốn nóng” đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm cho mùa hè năm nay.
1. Trộm cắp bán lẻ gia tăng tại Mỹ khi lạm phát cao
Theo CNN, nhiều cửa hàng bán lẻ tại Mỹ đang phải chật vật chống lại nạn trộm cắp. Từ các món đồ vặt vãnh cho đến toàn bộ sản phẩm trên kệ hàng, tất cả đều bị khoắng sạch trong sự bất lực của nhân viên. Hệ thống siêu thị Target cho biết họ có thể mất nửa tỷ USD trong năm nay vì nạn trộm cắp gia tăng. Trong khi đó, Nordstrom, Whole Foods và một số chuỗi cửa hàng lớn khác lại quyết định rời bỏ San Francisco do lo ngại về sự an toàn của nhân viên.
Các chuyên gia trong ngành bán lẻ nhận định rằng sự bất ổn trong nền kinh tế, cùng với đó là sức “nóng” của lạm phát và lãi suất, đã khiến vấn nạn trộm cắp thường xuất hiện ở Mỹ. Theo CNN, lạm phát là một trong những nguyên nhân khiến nạn trộm cắp lan tràn. Giá hàng hóa ở Mỹ vẫn đang ở mức cao, bất chấp lạm phát đã “hạ nhiệt”. Ông Burt Flickinger, CEO của Công ty tư vấn bán lẻ Strategy Resource, cho biết nhiều người dân đang phải sống trong cảnh “thắt lưng buộc bụng”. Theo một cuộc thăm dò gần đây của Gallup, cứ 5 người Mỹ thì có 3 người đang gặp khó khăn tài chính vì giá cả hàng hóa tăng cao. Báo cáo còn cho biết ngay cả khi lạm phát đã giảm dần, tác động của những đợt tăng giá vẫn khiến cho nhiều người thu nhập thấp rơi vào tình cảnh khốn đốn.
Theo Liên đoàn Bán lẻ Mỹ (NRF), hành vi trộm cắp có tổ chức tại các cửa hàng đang trở thành một nguyên nhân lớn gây ra hiện tượng “suy giảm” doanh số bán lẻ hàng năm. Đây là một thuật ngữ chỉ hàng hóa bị thất lạc do trộm cắp, gian lận, hư hỏng và các lý do khác. Cụ thể, tổng doanh số bị “suy giảm” trong năm 2021 là 94,5 tỷ USD, tăng từ mức 90,8 tỷ USD của năm 2020. Điều đáng nói là hành vi trộm cắp sản phẩm quy mô lớn đã tăng tới 26,5% trong cùng thời điểm.
2. Chuỗi siêu thị Asda của Anh mua lại các hoạt động của EG Group
Chuỗi siêu thị Asda của Anh cho biết sẽ mua lại các hoạt động tại Anh và Ireland của công ty quản lý trạm xăng EG Group nhằm đẩy mạnh hoạt động trong lĩnh vực cửa hàng tiện lợi, tạo lập một công ty với tổng doanh thu gần 30 tỷ bảng (38 tỷ USD). Thỏa thuận sẽ bao gồm khoảng 350 trạm xăng và trên 1.000 cửa hàng bán thực phẩm và đồ uống mang đi, định giá EG ở mức 2,27 tỷ bảng, đã tính đến nợ.
Asda đặt mục tiêu vượt Sainsbury’s trở thành siêu thị lớn thứ hai của Anh và thỏa thuận cho phép tập đoàn này xây dựng các cửa hàng Asda Express tại các trạm xăng của EG. Theo số liệu gần đây nhất của Kantar, Tesco dẫn đầu thị trường với 27,1% thị phần. Sainsbury’s nắm 14,8% thị phần và tiếp đến là Asda với 13,9%.
3. Thị trường Việt Nam mang về 406 triệu USD cho Central Retail
Central Retail Corporation (CRC) vừa công bố mức tăng trưởng mạnh mẽ trong quý I với doanh thu 63,2 tỷ baht (1,8 tỷ USD), tăng 12%. Theo đó, lợi nhuận ròng cũng tăng 75% lên 2,31 tỷ baht (66 triệu USD). Thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu hao (EBITDA) tăng 24% so với cùng kỳ lên 8,19 tỷ baht (235 triệu USD). Yol Phokasub – giám đốc điều hành của CRC – cho biết công ty đã đạt được khởi đầu xuất sắc trên tất cả hạng mục kinh doanh, với doanh thu và lợi nhuận vượt mức được ghi nhận trước đại dịch. Cụ thể, doanh nghiệp này đạt mức tăng trưởng doanh thu 30% trong ngành hàng thời trang cùng với mức tăng trưởng 9% trong ngành hàng thực phẩm.
Thị trường Việt Nam đã mang về 14,1 tỷ bath (406 triệu USD) cho Central Retail trong quý I vừa qua, đóng góp 24%, chỉ đứng sau thị trường Thái Lan. Tại Việt Nam, CRC tiếp tục phát triển, xây dựng sức mạnh từ hai mô hình thành công, bao gồm GO! trung tâm mua sắm và đại siêu thị. Hiện tại, GO! đã được đổi thương hiệu gần như 100% từ Big C và có tổng cộng 39 chi nhánh trên 29 tỉnh thành Việt Nam. Siêu thị GO! hiện có tổng cộng 5 chi nhánh và CRC đã có kế hoạch khai trương thêm 5-7 chi nhánh trong năm nay.
4. WinCommerce nâng cấp mô hình điểm bán, ra mắt mô hình WinMart Urban
WinMart Novia Phạm Văn Đồng là siêu thị đầu tiên tại khu vực miền Nam được triển khai theo mô hình WinMart Urban, vừa được Công ty CP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp WinCommerce khai trương đưa vào hoạt động tại tầng trệt, Block A, số 1061 đường Phạm Văn Đồng, phường Linh Tây, TP Thủ Đức (TP HCM). Đây là mô hình được thiết kế dành riêng cho khu vực thành thị, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của đa dạng tầng lớp dân cư. Sự ra đời của mô hình siêu thị WinMart Urban là bước đi mới trong kế hoạch mở rộng chuỗi điểm bán, đa dạng mô hình bán lẻ trong tương lai của WinCommerce.
Với diện tích kinh doanh lên tới 824m2, WinMart Novia Phạm Văn Đồng sở hữu không gian thoáng đãng, rộng rãi, quầy kệ được bài trí khoa học cùng nhận diện nổi bật, giúp tăng trải nghiệm của người tiêu dùng. Không gian siêu thị với nhiều màu sắc nổi bật, phá cách sẽ là điểm cộng cho việc thu hút khách hàng, cũng như tạo cảm giác vừa mới mẻ, trẻ trung vừa thoải mái, dễ chịu cho khách hàng khi trải nghiệm mua sắm tại đây. Đây là thiết kế của Công ty kiến trúc Malherbe (Pháp), đơn vị thiết kế showroom cho loạt thương hiệu nổi tiếng như Dior, Louis Vuitton… Tại đây, khách hàng được tiếp cận với hàng ngàn mặt hàng tươi sống, thực phẩm chế biến sẵn sạch, tươi và chất lượng mỗi ngày đáp ứng trọn vẹn nhu cầu mua sắm của khách hàng. Ngoài ra, siêu thị cũng được kỳ vọng sẽ tạo thói quen tiêu dùng hiện đại cho người Việt với các mặt hàng đa dạng từ nhu yếu phẩm đến hàng gia dụng, hóa phẩm, thời trang…
4. Doanh nghiệp Việt trước sức ép cạnh tranh để giữ thị trường ‘sân nhà’
Nhìn vào việc mở rộng nhanh của chuỗi cửa hàng Mixue và sự “đổ bộ” của các thương hiệu từ Đức (Bosch), Thái Lan (Sol Corporation International), sẽ thấy thị trường Việt Nam với quy mô 100 triệu dân vẫn được xem là khá hấp dẫn để khối ngoại khai thác. Tuy nhiên, song song đó là sức ép cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt cho các DN Việt ngay trên thị trường “sân nhà”. Trong vấn đề cạnh tranh này cần đề cập đến yếu tố nhượng quyền của các thương hiệu ngoại, như trường hợp mở rộng nhanh của Mixue đã lấn át các thương hiệu nội trong mảng F&B. Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong năm 2022, có 18 thương hiệu nhượng quyền nước ngoài hoặc tái ký hợp đồng vào Việt Nam. Trong khi đó, theo chuyên gia nhượng quyền quốc tế Nguyễn Phi Vân, sáng lập và là Chủ tịch của Go Global Holdings, tại Việt Nam, nhượng quyền hiện chưa được hiểu đúng, hiểu đủ và ứng dụng một cách chuyên nghiệp.
Ngoài vấn đề nhượng quyền, trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay khi sức mua suy giảm, giới chuyên gia cho rằng các DN Việt trên “sân nhà” phải chấp nhận sự thật là cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt với thế mạnh thuộc về những DN ngoại có tiềm lực tài chính mạnh, đầu tư nhiều vào công nghệ, biết khai thác lợi thế của nhượng quyền. Nhất là với những DN nhỏ và vừa trong nước tuy đã nỗ lực để cạnh tranh bằng cách phát triển các kênh quảng bá, tiếp thị sản phẩm, nhưng do tiềm lực hạn chế nên họ cũng chỉ cố gắng giữ được một chút thị phần trong điều kiện, giới hạn nhất định. Chưa kể, ngay cả những DN Việt trước đây chỉ quen với xuất khẩu, nay hoạt động này gặp khó nên họ quay về bán hàng thị trường “sân nhà” nhưng cũng không dễ dàng. Bởi vì họ đã vấp phải sự cạnh tranh cực kỳ gay gắt của các nhãn hàng quốc tế đang “đổ bộ” vào thị trường Việt.
Nói chung, thị trường “sân nhà” ở Việt Nam đang là “miếng bánh béo bở” mà các DN ngoại đều khao khát mở rộng thị phần. Sức mua ở trong nước dù hiện nay có suy giảm nhưng chỉ là ngắn hạn, còn về dài hạn vẫn là “mỏ vàng”. Cho nên, bắt buộc các DN Việt phải thay đổi, bằng mọi cách nâng cao sức cạnh tranh để giữ cho được thị trường “sân nhà”.
Xu hướng trang sức làm bằng vật liệu tái chế từ rác điện tử
Một số thương hiệu trang sức đang tận dụng vật liệu tái chế từ các thiết bị điện tử vứt bỏ như điện thoại di động để thiết kế các sản phẩm độc đáo và bền vững với môi trường hơn. Họ đi theo xu hướng này trong bối cảnh thế hệ người tiêu dùng trẻ ngày càng ý thức về tác động môi trường của những sản phẩm mà họ xem xét mua. Oushaba là thương hiệu mới nhất gia nhập xu hướng sản xuất đồ trang sức từ các vật liệu phế thải này. Gillian Carr, người đồng sáng lập Oushaba và trước đây làm việc cho hãng đấu giá Christie’s, cho biết ý tưởng này ra đời trong thời gian phong tỏa kiểm soát Covid. Cùng với hai đối tác kinh doanh khác, Carr đã liên hệ với một xưởng trang sức ở Sicily (Ý) để tìm mua các điện thoại di động bị vứt bỏ từ một cửa hàng sửa chữa địa phương, rồi lấy các linh kiện bên trong để thiết kế các món trang sức.
Năm 2017, Eliza Walter, đã sáng lập thương hiệu trang sức làm từ vật liệu tái chế Lylie, có trụ sở tại London. Thương hiệu này sử dụng vàng thu hồi từ rác điện tử và vật liệu trám răng để tạo ra các thiết kế trang sức tinh tế, được đính kim cương nhân tạo sản xuất phòng thí nghiệm hoặc đá tự nhiên cổ tái chế. Dù vậy, việc mua vàng hoàn toàn được tách ra từ rác điện tử là một thách thức, vì các nhà máy luyện kim thường trộn vàng từ các nguồn khác nhau để đúc ra các thỏi vàng. Do đó, thiết lập quan hệ đối tác lâu dài cũng là con đường mà các thương hiệu này lựa chọn như Công ty Royal Mint của hoàng gia Anh. Dòng trang sức 866 của Royal Mint sử dụng vàng từ công ty tái chế rác thải điện tử Excir và mua bạc được chiết xuất từ phim X-quang cũ của Công ty Betts Metals. Trong khi đó, Sole Ferragamo, thành viên của gia tộc sở hữu hãng xa xỉ phẩm Ferragamo (Ý) , thách thức những quan niệm truyền thống về sự quý giá bằng cách sử dụng da thuộc bị vứt bỏ và những mảnh vụn đồng thau từ quá trình gia công kim loại để làm vật liệu chính cho các món trang sức cho thương hiệu So-Le Studio do cô sáng lập.
Hãng tư vấn quản lý McKinsey dự đoán, đến năm 2025, các tiêu chí bền vững sẽ chi phối đến 20-30% giao dịch mua đồ trang sức cao cấp. McKinsey nhấn mạnh rằng 43% nhóm người tiêu dùng xa xỉ thuộc thế hệ Z, sinh ra từ năm 1997 đến 2012, chuộng các thương hiệu có uy tín về tính bền vững.
Giá bán các túi xách Chanel, bao gồm cả những chiếc Flap Bag đặc trưng của thương hiệu thời trang xa xỉ này, có thể lại tăng giá vào tháng 9, Bloomberg đưa tin. Gần đây, công ty vừa áp dụng mức tăng giá trung bình 8% đối với tất cả mặt hàng là túi xách trên toàn thế giới hồi tháng 3, Giám đốc tài chính toàn cầu Chanel Philippe Blondiaux cho biết trong một cuộc phỏng vấn ngày 25/5. Chanel thường đánh giá và xét lại giá bán của dòng túi xách mỗi năm 2 lần, vào tháng 3 và tháng 9 hàng năm, theo Bloomberg. Chanel dự định thực hiện chính sách áp dụng tăng giá phù hợp với lạm phát chi phí đầu vào, đồng thời xem xét sự biến động của tiền tệ. Nhà mốt Pháp đặt mục tiêu giảm thiểu chênh lệch giá cho cùng một sản phẩm giữa các khu vực, nhằm hạn chế tình trạng thị trường song song.
Việc tăng mạnh giá bán thường xuyên còn là cách để thương hiệu Pháp duy trì hình ảnh đắt đỏ và xa xỉ, hay còn gọi là “quy luật khan hiếm”. Trước đó, trong vòng 12 tháng kể từ tháng 3/2021 đến tháng 3/2022, Chanel đã tăng giá tổng cộng 6 lần, theo Korea Joongang Daily. Ở lần tăng hồi tháng 3/2022, Chanel tăng giá ví và túi xách trung bình 5%, sau mức tăng trước đó là 17% vào tháng 1 cùng năm. Khi thương hiệu của Pháp trở nên nổi tiếng vào năm 2021 do xu hướng “mua sắm trả thù” và thị trường bán lại hàng xa xỉ phát triển, điển hình ở Hàn Quốc hay Trung Quốc, một số khách hàng giàu có đã quay lưng với Chanel. Việc quá nhiều người đổ xô đi mua túi Chanel dẫn đến việc các khách hàng VIP không còn mặn mà, thậm chí tránh mua các sản phẩm của thương hiệu Pháp. Do đó, để khiến sản phẩm của mình trở nên hấp dẫn hơn, các thương hiệu cao cấp phải khiến chúng khó tiếp cận, khó sở hữu hơn.
Cuộc chạy đua ở thị trường làm đẹp nam giới hơn 1 tỷ USD
Công ty nghiên cứu Fuji Keizai có trụ sở tại Tokyo cho biết thị trường mỹ phẩm nói chung của Nhật Bản vẫn đang trì trệ, nhưng mỹ phẩm dành cho nam giới đang bán chạy. Thị trường này vào năm 2017 giá trị 138,9 tỷ yen (9,9 tỷ USD), dự kiến sẽ tăng lên 158,3 tỷ yen (11,2 tỷ USD) vào năm 2022 bất chấp đại dịch Covid-19 và đạt 165,5 yen (11,8 tỷ USD) vào năm tới. Tuy nhiên, các thương hiệu mỹ phẩm Nhật Bản đang phải cạnh tranh với mỹ phẩm Hàn Quốc – vốn thống trị thị trường nam giới Nhật Bản. Một cuộc khảo sát – được công bố bởi công ty Neo Marketing có trụ sở tại Tokyo – vào tháng 12 năm ngoái cho thấy khoảng 30% số người được hỏi thuộc Gen Z cho biết họ sử dụng mỹ phẩm Hàn Quốc. Con số này nhiều hơn số người nói rằng họ sử dụng các thương hiệu mỹ phẩm Nhật Bản hoặc nước ngoài.
Dự báo tăng trưởng quá cao của thị trường mỹ phẩm cho nam giới khiến các nhà sản xuất mỹ phẩm Nhật Bản không thể bỏ qua. Nhà sản xuất mỹ phẩm và đồ gia dụng Kao đã ra mắt Unlics, vào tháng 12/2022 một thương hiệu mỹ phẩm và đồ trang điểm dành cho nam giới dựa trên ý tưởng của một nhân viên mới. Tháng 6 năm ngoái, Shiseido đã giới thiệu Sidekick, dòng sản phẩm mới đầu tiên dành cho nam giới kể từ khi ra mắt vào năm 2003. Mục tiêu của công ty là phát triển thương hiệu tại thị trường Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng. Các sản phẩm Sidekick sẽ được bán thông qua các trang web thương mại điện tử ở Trung Quốc, nhưng tại Nhật Bản, chi nhánh Harajuku của công ty sẽ có ở ngoài đời.
1. Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Đông Nam Á của Apple
Danh sách nhà cung cấp mới nhất do Apple công bố cho thấy, số lượng cơ sở và địa điểm sản xuất của 200 nhà cung cấp hàng đầu của hãng đã tăng vào năm 2022, chủ yếu tăng tại Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Ấn Độ. Tuy nhiên, số lượng các cơ sở sản xuất của Apple ở Mỹ đã giảm từ 74 cơ sở (2021) xuống 62 (2022); ở Hàn Quốc đã giảm từ 42 cơ sở (2021) xuống 36 (2022). Top 3 nơi có số lượng cơ sở sản xuất của Apple lớn nhất thế giới bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Trung Quốc vẫn là nơi có nhiều đối tác Apple đặt nhà máy nhất trong 2022 với 276 cơ sở, tăng từ mức 262 của 2021, nhưng lại giảm mạnh so với mức 346 của 2016. Nhật Bản đứng vị trí thứ hai với 124 cơ sở, tiếp đến là Mỹ với 62 cơ sở. Ấn Độ từ một nhà máy ban đầu năm 2016, hiện tăng mạnh lên 14.
Đáng chú ý, số lượng cơ sở sản xuất của các nhà cung cấp cho Apple ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á đang tăng lên trong những năm gần đây. Cụ thể, vào năm 2016, khu vực Đông Nam Á chỉ có tổng cộng 94 cơ sở sản xuất cho Apple. Đến năm 2022, tổng số cơ sở sản xuất của các nhà cung cấp cho Apple tại khu vực Đông Nam Á đã tăng lên 123 cơ sở. Theo đó, số lượng các cơ sở sản xuất của Apple hiện diện ở các quốc gia Đông Nam Á cũng thay đổi đáng kể. Theo thống kê của Apple, với 27 cơ sở, Việt Nam vươn lên đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á về số lượng các cơ sở sản xuất của Apple. Theo sau là Malaysia, Singapore và Philippines với số lượng các cơ sở sản xuất lần lượt là 25, 21 và 19. Đứng đầu là Thái Lan, với số lượng tăng lên 28 cơ sở.
Xét trên toàn cầu năm 2022, cả Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Singapore và Philippines đều nằm trong top 10 quốc gia có số lượng cơ sở sản xuất cho Apple lớn nhất, trong đó Việt Nam đứng thứ 7. Hầu hết đối tác có nhà máy đặt tại Việt Nam là những tên tuổi quen thuộc, như Foxconn, Luxshare hay các doanh nghiệp cung ứng linh kiện như Samsung, Intel, LG. Theo Digitimes, danh sách mới cho thấy Apple đã bắt đầu đa dạng hóa địa điểm sản xuất, đặc biệt ở Nam Á và Đông Nam Á. Đây là dấu hiệu thể hiện việc mở rộng của công ty Mỹ, chuẩn bị cho một hệ sinh thái sản xuất toàn cầu tách rời.
2. Foxconn tăng lương, thưởng cho công nhân sản xuất iPhone
Foxconn, đối tác lớn của Apple, đã tăng lương và thưởng cho lao động mới tại nhà máy iPhone Trịnh Châu, Trung Quốc. Theo bài đăng trên WeChat chính thức của Foxconn, từ ngày 29/5, nhân viên mới sẽ được thưởng tối đa 3.000 tệ (hơn 9,9 triệu đồng) nếu làm việc ít nhất 90 ngày trong nhà máy và mức lương trả theo giờ là 21 tệ (khoảng 70.000 đồng). Nhân viên cũ sẽ được thưởng 500 tệ (1,65 triệu đồng) nếu giới thiệu ứng viên thành công.
Nhà máy Trịnh Châu là nhà máy iPhone lớn nhất thế giới, có thể tuyển dụng tối đa 200.000 lao động vào mùa cao điểm. Việc tăng lương, thưởng được xem là động thái nhấn mạnh cam kết của Foxconn đối với hoạt động lắp ráp iPhone trong thành phố, bất chấp làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng Apple ra khỏi Trung Quốc. Đầu tháng này, Chủ tịch kiêm CEO Foxconn Liu Young Way đã đến thăm Thành Đô và khẳng định trước nhân viên rằng công ty không có kế hoạch rời bỏ thành phố cũng như cứ điểm sản xuất quan trọng ở đây.
3. Công ty Nvidia xây dựng siêu máy tính AI mạnh nhất thế giới ở Israel
Ngày 29/5, tập đoàn Nvidia cho biết, doanh nghiệp đang xây dựng siêu máy tính trí tuệ nhân tạo (AI) mạnh nhất thế giới tại Israel, đáp ứng nhu cầu tăng vọt của khách hàng đối với những ứng dụng AI. Nvidia, công ty chip GPU niêm yết có giá trị cổ phiếu cao nhất thế giới tuyên bố, hệ thống trên nền tảng điện toán đám mây sẽ có trị giá hàng trăm triệu USD, dự kiến bắt đầu hoạt động một phần cuối năm 2023.
Hệ thống siêu máy tính, được gọi là Israel-1, dự kiến sẽ cung cấp hiệu suất lên tới tám exaflop của điện toán AI, dự kiến trở thành một trong những siêu máy tính AI nhanh nhất thế giới. Một exaflop có khả năng thực hiện 1 triệu tỉ phép tính mỗi giây. Siêu máy tính AI này sẽ là một hệ thống quy mô lớn thực sự, cho phép các kỹ sư và các công ty khởi nghiệp Israel đào tạo những mô hình AI với tốc độ cao, xây dựng các khung làm việc và giải pháp, cho phép giải quyết những vấn đề phức tạp hơn.
4. BYD vượt mặt Tesla giành hợp đồng EV lớn tại Indonesia
Hãng xe điện lớn nhất thế giới đến từ Trung Quốc đã giành được hợp đồng lớn từ tay Tesla tại Indonesia, và đang có kế hoạch mở rộng sang thị trường Việt Nam. Hãng taxi lớn nhất Indonesia, PT Blue Bird, đã chọn BYD làm nhà cung cấp chính cho 80% tổng số lượng xe điện của họ, trong khi đang xem xét các đơn đặt hàng từ Tesla. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh các mẫu xe điện giá rẻ đang được ưa chuộng tại quốc gia này. BYD, hãng sản xuất EV lớn nhất thế giới, được hậu thuẫn bởi công ty Berkshire Hathaway của tỉ phú Warren Buffett, đã đạt được bước tiến lớn trong việc xây dựng nhà máy lắp ráp thứ hai của họ tại Đông Nam Á, sau khi ký một thỏa thuận sơ bộ với chính phủ Indonesia. Thỏa thuận này cho thấy Indonesia – quốc gia có dân số 280 triệu người – đang chạy đua với các đối thủ tiềm năng khác trong khu vực, những nước cũng đang có tham vọng xây dựng ngành công nghiệp EV trong nước.
Hãng xe đến từ Trung Quốc trước đó cũng cho hay họ đang xem xét tăng cường sự hiện diện tại thị trường Việt Nam. Vào đầu tháng 5 này, Chủ tịch BYD Wang Chuanfu (Vương Truyền Phúc) đã tới thăm Việt Nam và có buổi gặp gỡ Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà để trao đổi về dự án sản xuất, lắp ráp EV của tập đoàn. Nhiều khả năng nhà máy mới của BYD tại Việt Nam sẽ được đặt tại khu công nghiệp Phú Hà, tỉnh Phú Thọ – nơi nhà máy lắp ráp máy tính bảng iPad của doanh nghiệp này đang hoạt động. Nhà máy này được cho là sẽ cung ứng linh kiện cho nhà máy xe điện của BYD đặt tại Thái Lan và phục vụ kế hoạch bán xe điện tại thị trường Việt Nam.
1. Trung Quốc đang dẫn đầu cả thế giới về năng lượng mặt trời
Lĩnh vực năng lượng mặt trời của Trung Quốc đang có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng bậc nhất thế giới. Trong bối cảnh nhu cầu về điện sạch ngày càng tăng và chi phí lắp đặt đang có phần sụt giảm, tốc độ lắp đặt năng lượng mặt trời đang tiếp tục bùng nổ tại quốc gia này. Theo số liệu của Bloomberg, trong 4 tháng đầu năm, công suất lắp đặt điện mặt trời của quốc gia này đã vượt qua công suất của cùng kỳ năm 2022. Bloomberg cho biết quốc gia tỷ dân này có thể đạt công suất lắp đặt năng lượng mặt trời lên đến 154 GW trong năm nay, tăng mạnh so với dự báo 129 GW trước đó. Mức công suất dự báo này sẽ vượt qua Mỹ khi tổng sản lượng điện mặt trời tích lũy của Mỹ đạt tổng cộng 144 GW tính đến thời điểm đầu năm 2022.
Sự tăng tốc của Trung Quốc có nghĩa là thế giới đang đi đúng hướng để có tổng công suất 5.300 GW năng lượng mặt trời vào năm 2030 – đây là lượng điện mặt trời cần thiết để đạt mục tiêu phát thải bằng 0 trên toàn cầu. Các lĩnh vực quan trọng khác, bao gồm giao thông vận tải và năng lượng gió vẫn chưa đạt được mục tiêu. Theo World Bank, 10 quốc gia hàng đầu có công suất lắp đặt năng lượng mặt trời nhiều nhất tính đến năm 2021 bao gồm Trung Quốc 306,9 GW, Mỹ 95,2 GW, Nhật Bản 74,1GW, Đức 58,4 GW, Ấn Độ 49,6 GW, Italia 22,6 GW, Úc 19 GW, Hàn Quốc 18 GW, Việt Nam 16,6 GW, Tây Ban Nha 15,9 GW. Như vậy về công suất tính đến năm 2021, Trung Quốc đang dẫn trước 18 lần so với Việt Nam.
Báo The Guardian ngày 29/5 cho biết tại một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), giá điện giảm xuống mức âm trong ngày do năng suất các nguồn năng lượng tái tạo (RES) tăng và nhu cầu sưởi ấm hoặc làm mát thấp trong bối cảnh thời tiết dễ chịu.
Một cơn bão lớn quét qua các nước Trung và Tây Bắc Âu đã dẫn đến thời tiết nắng ấm và dư thừa năng lượng mặt trời trong khu vực này. Trong khi đó, ở Phần Lan, tuyết tan dày đặc đã làm ngập các con sông, dẫn đến việc sản xuất quá nhiều thủy điện. Giá điện giảm xuống mức âm khi dư thừa điện năng trên thị trường, do năng suất cao của các nhà máy năng lượng mặt trời, gió và thủy điện đáp ứng nhu cầu, song điện năng do chúng tạo ra không thể lưu trữ cho tương lai. Trong những trường hợp như vậy, các công ty điện trả thêm tiền cho người tiêu dùng khi sử dụng tài nguyên để tránh làm quá tải hệ thống.
Nhu cầu khí đốt cho sản xuất điện và công nghiệp yếu ớt đã khiến giá khí đốt tự nhiên của châu Âu rơi tự do trong những tuần gần đây. Các thương nhân và quan chức trong ngành không loại trừ khả năng khu vực này có thể chứng kiến giá khí đốt những ngày hè tới giảm xuống dưới 0 trong thời gian ngắn. Sự kết hợp giữa các yếu tố gồm nguồn dự trữ dồi dào từ cuối mùa đông ôn hoà, nhập khẩu khí đốt tự nhiên hoá lỏng (LNG) ổn định và nhu cầu tiêu thụ yếu đã dẫn đến giá khí đốt tự nhiên tiêu chuẩn của châu Âu giảm 8 tuần liên tiếp – chuỗi giảm hàng tuần dài nhất trong hơn 6 năm. Mặc dù giá tiêu chuẩn khó thể giảm xuống dưới 0, nhưng giá khí đốt tự nhiên tại một số khu vực ở Liên minh châu Âu (EU) có thể giảm xuống dưới 0 trong thời gian ngắn vào mùa hè này, nếu nhu cầu vẫn yếu và sản lượng điện tái tạo vẫn ở mức cao.
Hiện tại, lượng khí đốt dự trữ đang ở mức cao thoải mái vào thời điểm này trong năm. Tính đến ngày 24/5, các kho chứa khí đốt tự nhiên ở EU đã đầy 66,71%, theo dữ liệu từ Gas Infrastructure Europe. Mức khí đốt trong kho đang cao nhất tại thời điểm này trong năm trong vòng ít nhất một thập kỷ. Các nhà phân tích nói với Bloomberg rằng châu Âu có thể lấp đầy kho dự trữ sớm nhất là vào tháng 9, trước mùa đông. Triển vọng ngắn hạn về giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu có vẻ kém tích cực, nhưng mọi thứ có thể thay đổi nhanh chóng nếu nhu cầu tăng đột biến trong các đợt nắng nóng của mùa hè do tốc độ gió thấp có thể làm tê liệt ngành sản xuất điện gió. Các khách hàng công nghiệp cũng có thể bắt đầu sử dụng nhiều khí đốt hơn nếu giá tiếp tục giảm. Nhu cầu LNG của châu Á phục hồi cũng có thể dẫn đến giá ở châu Âu cao hơn.
1. Singapore tiếp tục là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/5/2023 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 10,86 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký cấp mới có 962 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 5,26 tỷ USD, tăng 66,4% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 27,8% về số vốn đăng ký. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 4,43 tỷ USD, chiếm 84,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 396 triệu USD, chiếm 7,5%; các ngành còn lại đạt 437,6 triệu USD, chiếm 8,3%.
Trong số 53 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2023, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 1,73 tỷ USD, chiếm 32,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc 1,09 tỷ USD, chiếm 20,6%; Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) 552,3 triệu USD, chiếm 10,5%; Đài Loan 499,9 triệu USD, chiếm 9,5%; Nhật Bản 317,7 triệu USD, chiếm 6%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 7,65 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,25 tỷ USD, chiếm 81,7% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 546,6 triệu USD, chiếm 7,1%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 368,3 triệu USD, chiếm 4,8%.
1. Nông nghiệp công nghệ cao lao đao vì ‘hạn hán’ nguồn vốn
Giống như các nông dân canh tác theo cách truyền thống, các startup trang trại trong nhà cũng đối mặt chi phí cao của vật tư, năng lượng và nhân công. Dù canh tác trong nhà giúp họ tránh được tác động từ các thay đổi thất thường của thời tiết, nhưng không giúp loại bỏ được sâu bệnh. Có hai loại canh tác trong nhà chủ yếu: phiên bản hiện đại của nhà kính sử dụng năng lượng từ mặt trời để trồng cây theo chiều ngang; và các trang trại thẳng đứng với luống cây trồng xếp chồng lên nhau bên dưới ánh sáng nhân tạo. Nhiều nhà phân tích tin rằng nhà kính công nghệ cao có thể hoạt động có lãi ở Mỹ vì chúng đã được vận hành thành công ở châu Âu và Canada. Nhưng trang trại thẳng đứng là một câu chuyện khác. Cho đến nay, chưa có công ty trang trại thẳng đứng nào kiếm được lợi nhuận khi vận hành khi vận hành trên quy mô lớn.
Các startup ở cả hai phương thức canh tác trong nhà này tự xem họ là giải pháp xanh cho hệ thống sản xuất thực phẩm của Mỹ, vốn từ lâu vật lộn với những thách thức như thời tiết khắc nghiệt, sử dụng nhiều tài nguyên và phụ thuộc vào một số khu vực đất đai phì nhiêu. Họ đã thu hút được các nguồn vốn đầu tư từ những công ty nông nghiệp và bán lẻ thực phẩm hàng đầu của Mỹ như Cargill và Walmart. Nhưng vào năm ngoái, khi chi phí gia tăng khiến việc xây dựng và vận hành các trang trại trong nhà mới tốn kém hơn dự kiến. Một số khoản chi phí tốn kém nhất bao gồm sưởi ấm và thông gió. Chỉ riêng chi phí chiếu sáng cũng đủ khiến cho các trang trại thẳng đứng kém khả thi kinh tế. Với lợi nhuận vẫn còn xa với, các startup này dễ tổn thương khi lãi suất tăng và các nhà đầu tư bắt đầu xa lánh các công ty từng gây sốt. Ngành khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao huy động được số vốn kỷ lục 895 triệu đô la trong quí đầu tiên của năm ngoái. Tuy nhiên, kể từ đó, nguồn vốn trên thị trường dần cạn kiệt. Trong quí hiện tại, ngành này chỉ thu hút được vỏn vẹn 10 triệu đô la, theo nhà cung cấp dữ liệu AgFunder.
2. Nỗi đau của ngành chăn nuôi Mỹ khi Trung Quốc ‘quay xe’ quá nhanh
Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết Trung Quốc là nước tiêu thụ thịt lợn nhiều nhất thế giới với 55,41 triệu tấn năm 2022, chiếm tới 60% toàn cầu. Với thị trường tiềm năng như vậy thì không có gì lạ khi ngành chăn nuôi heo xuất khẩu tại Mỹ với tổng trị giá lên đến 54 tỷ USD đã tăng trưởng chóng mặt vượt cả nhu cầu nội địa bất chấp chi phí đi lên cùng những tiêu chuẩn khắt khe hơn về môi trường, bảo vệ động vật… Tuy nhiên cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung đã khiến mảng xuất khẩu thịt lợn bị ảnh hưởng và nhiều nông trại chăn nuôi của Mỹ đang có nguy cơ phải đóng cửa vì thua lỗ nặng nhất suốt nhiều thập niên qua. Số liệu chính thức cho thấy xuất khẩu thịt lợn của Mỹ đạt kỷ lục 7,3 tỷ pound, tương đương 3,7 triệu tấn năm 2020. Thế nhưng con số này đã giảm 10% trong năm 2022 sau khi xung đột thương mại Mỹ-Trung leo thang và chính quyền Bắc Kinh nhanh chóng xây dựng lại đàn lợn của mình.
Hàng loạt những công ty sản xuất thịt như Smithfield Foods, Tyson Foods hay JBS đều than vãn rằng lợi nhuận ngành bán thịt heo đang giảm mạnh khiến chuỗi cung ứng, từ các trang trại đến nhà máy chế biến, phải giảm công suất. Từ đầu tháng 5, hãng Smithfield đã bắt đầu đóng cửa hơn 30 nông trại chăn nuôi lợn của mình và đang thu hẹp lại chuỗi cung ứng. Tập đoàn mẹ của Smithfield là WH Group mới đây công bố thua lỗ lợi nhuận hoạt động đến 218 triệu USD tại thị trường Mỹ và Mexico, mức trái ngược hoàn toàn so với lợi nhuận 50 triệu USD cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, doanh thu quý I của JBS cũng giảm đến 81%. Hãng Tyson Foods thì giảm 9% doanh thu xuống còn 1,4 tỷ USD cùng với khoản lỗ 33 triệu USD của mảng kinh doanh thịt lợn 3 tháng đầu năm.
Những ngày này, nông dân trồng chanh dây ở Gia Lai đang hoang mang, lo lắng vì chanh dây đột ngột rớt giá từ trên 10.000 đồng/kg chanh xô, xuống chỉ có 4.000 đồng/kg. Tình cảnh rớt giá, thua lỗ vẫn xảy ra, dù trên địa bàn có nhiều nhà máy chế biến chanh dây đang hoạt động và diện tích loại cây này chưa vượt quá khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Hiện nay, tại tỉnh Gia Lai có vùng nguyên liệu chanh dây trên 5.000 ha được trồng rộng khắp 15/17 huyện, thị xã, thành phố; cùng 3 nhà máy chế biến chanh dây lớn, có tổng công suất lên tới hàng trăm nghìn tấn mỗi năm. Bên cạnh đó, Gia Lai cũng có 20 cơ sở đóng gói và 19 vùng trồng đã được cấp mã số. Nhưng tất cả những nền tảng đó cũng không cản được đà rớt giá của sản phẩm chanh dây.
Ông Lê Tấn Hùng- Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đăk Đoa cho biết: hiện 20% trong trong số 700 ha chanh dây ở huyện, đã được liên kết tiêu thụ với một số doanh nghiệp. Nhưng ngay cả những nông dân liên kết vẫn không được hưởng mức giá tốt. Lý do là thời điểm ký kết là lúc giá chanh ở mức cao, nông dân đã chọn phương án bán theo giá thị trường. “Cam kết giữa doanh nghiệp và hộ dân ngay từ hợp đồng ban đầu là thu mua theo mức giá cố định hoặc cam kết thu mua theo giá thị trường, người dân chọn bán theo giá thị trường. Do đó, các nhà máy vẫn thu mua nguồn liên kết theo giá thị trường như hợp đồng. Thị trường lên thì mua lên, thị trường xuống thì mua xuống” – ông Lê Tấn Hùng nói.
Trái ngược với cảnh nhộn nhịp mua bán sầu riêng mỗi khi vào mùa, thị trường bán lẻ sầu riêng tại TP HCM năm nay khá ảm đạm vì lượng hàng ít và sức mua chậm. Chị Xuyến (40 tuổi), chủ vựa sầu riêng ở đường Gò Dầu (quận Tân Phú), đã có bảy năm kinh nghiệm bán sầu riêng, hiện đang bán hai loại sầu riêng phổ biến là Monthong Thái và Ri6 với mức giá dao động từ 50.000 – 110.000 đồng/kg. Mấy năm trước việc buôn bán rất tốt nhưng năm nay, ngày nào chị cũng ngồi bán từ 8 giờ sáng đến 23 giờ mà chỉ lác đác vài người hỏi mua, đa số chọn trái nhỏ hoặc vừa tầm 1,5 – 2kg. Tương tự, ông Công (50 tuổi), chủ vựa sầu riêng nằm trên đường Trường Chinh (quận Tân Bình), cũng than thở, mặc dù vựa của ông có lợi thế về lượng xe cộ qua lại đông đúc nhưng lượng khách đến mua cũng “đếm trên đầu ngón tay”. Chủ vựa với chục năm thâm niên chia sẻ ế ẩm là tình trạng chung của hầu hết các tiểu thương kinh doanh sầu riêng trên đoạn đường này.
Liên quan tới nguồn cung sầu riêng cho thị trường, đại diện Công ty CP Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, cho biết chợ có kinh doanh mặt hàng sầu riêng nhưng không có thông kê chi tiết về số lượng vì hàng về ghép trên xe có nhiều mặt hàng. Ngoài sầu riêng Việt Nam, chợ còn có sầu riêng Thái Lan, thường là loại mini, phân khúc giá rẻ còn sầu riêng loại 1 của Thái Lan phần lớn xuất khẩu sang Trung Quốc. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, phân tích sầu riêng là loại trái cây đắt tiền, thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc. Do đó, người dân sẽ canh tác sầu riêng theo tiêu chuẩn, thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc vì bán được giá cao nhất. Tỉ lệ sầu riêng tiêu thụ nội địa không nhiều do giá mặt hàng này cao so với thu nhập của người dân. Chỉ những thời điểm xuất khẩu ùn ứ hoặc quá rộ mùa, người dân trong nước mới có nhiều hơn cơ hội thưởng thức sầu riêng.
1. 5 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt trên 1,8 tỷ USD
Báo cáo sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5/2023, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 466 triệu USD, tăng 80,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 5 tháng đầu năm nay đạt trên 1,8 tỉ USD, tăng gần 29% so với cùng kỳ năm trước. Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết, trong TOP 10 thị trường xuất khẩu rau quả, Trung Quốc, Mỹ, Hà Lan, Malaysia có mức tăng trưởng mạnh nhất. Riêng Trung Quốc mua rau quả của Việt Nam đạt 805 triệu USD, chiếm 59% về thị phần (năm ngoái chiếm 53%). Về mặt hàng, tính đến hết tháng 4/2023, giá trị xuất khẩu thanh long và sầu riêng đang tương đương nhau với tỷ lệ khoảng 23% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành rau quả. Tuy nhiên, hiện nay xuất khẩu thanh long đang chậm lại do Trung Quốc đang vào vụ thu hoạch và sức tiêu thụ kém.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, những tháng đầu năm, mặc dù bị cạnh tranh với hàng Thái Lan, Campuchia, Philippines, kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam vẫn bứt phá. Như tại Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T, trong khi kim ngạch các thị trường Mỹ, Canada sụt giảm, Trung Quốc là “bệ đỡ” giúp hoạt động xuất khẩu tăng trưởng 20% doanh số 4 tháng đầu năm 2023. Triển vọng xuất khẩu nửa cuối năm sẽ tươi sáng hơn khi nông sản Việt đang được nhiều quốc gia ưa chuộng. Dự báo, xuất khẩu rau quả năm nay của Việt Nam có thể cán mốc 4 tỷ USD.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 2,6 tỉ USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022, khi các mặt hàng chủ lực như tôm tươi hoặc đông lạnh, cá tra phi-lê đều giảm sâu. Tuy nhiên, số liệu thống kê lại ghi nhận những điểm sáng với 2 mặt hàng cá khô và tôm khô. Xuất khẩu cá khô đạt gần 78 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai loại cá khô Việt Nam được ưa chuộng nhất hiện nay là cá cơm và cá chỉ vàng. Trong đó, cá cơm chiếm 66%, cá chỉ vàng chiếm 14%. Những thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá khô của Việt Nam là Trung Quốc – chiếm 56%, Nga 17%, Malaysia 8%…Với mặt hàng tôm, trong 8 mã hàng, chỉ duy nhất tôm khô có mức tăng trưởng với giá trị xuất khẩu 8 triệu USD trong quý I/2023, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo VASEP, diễn biến xuất khẩu sản phẩm cá khô của Việt Nam cho thấy trong giai đoạn lạm phát, người tiêu dùng đã thay đổi thói quen, khi giá cả chi phối hành vi mua bán của họ. Sản phẩm tươi/sống đang dần dần bị thay thế bằng hàng khô.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030. Đáng chú ý, chiến lược này đặt mục tiêu giảm khối lượng xuất khẩu gạo đến năm 2030 xuống còn khoảng 4 triệu tấn. Mục tiêu cụ thể của chiến lược này là tăng giá trị gia tăng, nâng cao giá trị gạo XK, giảm khối lượng XK đến năm 2030 xuống còn khoảng 4 triệu tấn, với kim ngạch tương đương khoảng 2,62 tỷ USD. Giảm khối lượng nên nhịp độ tăng trưởng XK bình quân giai đoạn 2023-2025 giảm khoảng 2,4% và giai đoạn 2026-2030 giảm khoảng 3,6%.
Về cơ cấu chủng loại, giai đoạn 2023-2025, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình chiếm không quá 15%; gạo trắng phẩm cấp cao 20%; gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản 40%; gạo nếp 20%; các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo chiếm khoảng 5%. Phấn đấu tỷ lệ gạo XK có thương hiệu trên 20%. Giai đoạn 2026-2030, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình chiếm không quá 10%; gạo trắng phẩm cấp cao 15%; gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản 45%; gạo nếp 20%; các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo chiếm khoảng 10%. Phấn đấu tỷ lệ gạo XK có thương hiệu trên 40%.
Về cơ cấu thị trường, đến năm 2025, thị trường châu Á chiếm tỷ trọng khoảng 60% tổng kim ngạch XK gạo, thị trường châu Phi chiếm khoảng 22%, Trung Đông chiếm khoảng 4%, châu Âu khoảng 3%, châu Mỹ khoảng 7%, châu Đại Dương chiếm khoảng 4%. Đến năm 2030, thị trường châu Á chiếm tỷ trọng khoảng 55%, châu Phi chiếm khoảng 23%, thị trường Trung Đông chiếm khoảng 5%, thị trường châu Âu chiếm khoảng 5%, thị trường châu Mỹ chiếm khoảng 8%, thị trường châu Đại Dương chiếm khoảng 4%.
4. Doanh nghiệp vét sạch kho gạo để xuất khẩu dù chịu lỗ
Theo Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 5-2023 ước đạt 1 triệu tấn với giá trị 489 triệu USD. Lũy kế 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 3,9 triệu tấn gạo, giá trị 2,02 tỉ USD – tăng 40,8% về khối lượng và tăng 49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Về chi tiết các thị trường, trong 4 tháng đầu năm 2023, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 42,4%, đạt 1,29 triệu tấn và 647,5 triệu USD – tăng 40,6% về khối lượng và tăng 53,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất, nơi có giá trị tăng mạnh nhất là Indonesia (gấp 26,3 lần). Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Bờ Biển Ngà (giảm 49,8%).
Những năm gần đây, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu từ 6-7 triệu tấn gạo, bình quân 500.000 – 600.000 tấn/tháng nên lượng gạo xuất khẩu năm nay gây bất ngờ cho không ít người. Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại ĐBSCL cho hay vụ Đông Xuân là vụ thu hoạch chính của Việt Nam với khoảng 4 triệu tấn gạo phục vụ xuất khẩu. “Mọi năm, gạo sẽ để lưu kho và xuất khẩu dần nhưng năm nay, các đối tác đều yêu cầu giao hàng ngay trong tháng 4 và 5 nên sản lượng xuất khẩu tập trung trong thời gian này. Các doanh nghiệp gần như vét sạch kho để xuất khẩu, giờ chờ thu mua gạo vụ mới thì mới có hàng giao tiếp” – chủ doanh nghiệp này thông tin.
Theo thương nhân xuất khẩu gạo này, dù xuất khẩu gạo lập kỷ lục, giá tăng cao nhưng nhiều doanh nghiệp trong ngành không có lãi, thậm chí lỗ. Đó là những doanh nghiệp ký hợp đồng từ trước với dự báo giá gạo không cao như hiện nay. Đến thời điểm giao hàng, họ buộc phải mua gạo vào với giá cao, có những đơn hàng lỗ đến 40 USD/tấn. Trước tình hình trên, các chuyên gia đều khuyến cáo các doanh nghiệp không nên ký hợp đồng chốt giá sớm, nên có sẵn hàng mới chào bán để tránh rủi ro khi giá gạo tăng “nóng” như hiện nay.
5. Thêm 47 mã số vùng trồng sầu riêng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc
Ngày 24/5, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Cục đã nhận được văn bản thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) về kết quả xét duyệt hồ sơ khắc phục của các mã số vùng trồng, cơ sở sầu riêng không đạt trong lần kiểm tra trực tuyến tháng 1/2023. Kết quả, Việt Nam có thêm 47/51 vùng trồng và 18 cơ sở đóng gói đạt yêu cầu và được GACC cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc.
Như vậy, đến nay Việt Nam đã có 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói sầu riêng đã được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu sang thị trường này. Trong 5 tháng đầu năm 2023, khối lượng sầu riêng quả tươi xuất khẩu đạt trên 65.000 tấn, tăng 41% so với cả năm 2022. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu sầu riêng lớn nhất của Việt Nam. Tỷ lệ xuất khẩu sầu riêng quả tươi sang thị trường Trung Quốc là 97%. Hiện, Cục Bảo vệ thực vật đang làm việc với GACC để thống nhất lịch kiểm tra trực tuyến đợt tiếp theo cho khoảng 400 vùng trồng và 60 cơ sở đóng gói sầu riêng đã gửi hồ sơ cho phía Trung Quốc.
6. Hàng trăm xe sầu riêng dồn lên cửa khẩu, Lạng Sơn tìm cách chống ùn tắc
Theo thông tin từ Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, tính đến 20h ngày 28/5, trên địa bàn tỉnh còn 898 xe hàng tồn chờ xuất khẩu, trong đó có 538 xe hoa quả, 61 xe hàng khác và 299 xe hàng ngoài khu vực cửa khẩu chưa đăng ký mặt hàng, tăng 73 xe so với một ngày trước. Trong ngày 28/5, có 986 xe hàng được xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu Lạng Sơn, trong đó có 524 xe xuất khẩu và 462 xe nhập khẩu. Ông Hoàng Khánh Duy – Phó Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – cho biết, những ngày gần đây lượng xe hàng chở sầu riêng lên các cửa khẩu Lạng Sơn để chờ xuất khẩu tăng đột biến, cơ quan chức năng đang phải đưa ra nhiều biện pháp để phòng chống ùn tắc. Bên cạnh đó, để giảm tải lượng xe chờ thông quan tại cửa khẩu Hữu Nghị, cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn cũng đã điều chuyển bớt xe hàng sang khu vực cửa khẩu Tân Thanh.
Dự báo, thời gian tới, các phương tiện chở sầu riêng từ các tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ tiếp tục dồn lên cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị để xuất khẩu. Đặc biệt, các mặt hàng hoa quả khác như: vải, xoài, thanh long, mít…cũng đang vào mùa vụ thu hoạch, được đưa lên các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, nguy cơ gây nên tình trạng ùn tắc. Điều này còn có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Bởi, trong điều kiện thời tiết nắng nóng, trái cây nhanh chín và dễ suy giảm chất lượng, khó tiêu thụ. Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn khuyến cáo các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa cân nhắc, chủ động điều tiết hàng hóa lên cửa khẩu Lạng Sơn một cách hợp lý, tránh phát sinh thêm chi phí lưu kho bãi. Đồng thời, chuyển phương thức vận tải xuất khẩu sang đường sắt hoặc xuất khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai, Cao Bằng để giảm thiểu tình trạng chờ đỗ dài ngày, giảm thiểu rủi ro hàng bị hư hỏng.
7. Cơ hội vàng để Việt Nam thu tỷ USD từ xuất khẩu sầu riêng
Sầu riêng đã nhanh chóng trở thành loại trái cây nhập khẩu phổ biến nhất ở Trung Quốc. Bất chấp các biện pháp kiểm soát nhập khẩu hết sức hạn chế trong thời kỳ đại dịch, Trung Quốc đã nhập khẩu lượng sầu riêng nhiều gấp 4 lần vào năm 2022 so với 2017, tổng giá trị là hơn 4 tỷ USD. Sầu riêng Thái Lan đã thống trị thị trường Trung Quốc trong nhiều năm nhưng sự thống trị đó đang bị thách thức bởi sầu riêng từ Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác như Malaysia, Philippines. “Sầu riêng Thái Lan tuy đắt nhưng ngon và mọng hơn, trong khi sầu riêng Việt Nam nhanh chóng được đón nhận vì giá rẻ hơn”, một nhà bán lẻ trái cây Trung Quốc giải thích. Nhà nhập khẩu trái cây ở miền nam Trung Quốc Bob Wang cũng nhận định sầu riêng Việt Nam rẻ hơn khoảng 15% so với sầu riêng Thái Lan.
Tiềm năng ngày càng tăng đối với sầu riêng ở Trung Quốc đã thúc đẩy các thành phố giáp Việt Nam tăng cường hậu cần để tạo thuận lợi cho nhập khẩu. Chongzuo, một thành phố biến giới ở Quảng Tây đang xây dựng một trung tâm hậu cần tiên tiến với kho lạnh và cơ sở chế biến để cải thiện quy trình nhập khẩu. Những cải tiến này sẽ cho phép sầu riêng Việt Nam đi đến tất cả khu vực của Trung Quốc trong 1-3 ngày, theo quan chức địa phương và các thương nhân. Họ đều kỳ vọng tiêu thụ sầu riêng sẽ tăng hơn nữa. Chen Xiao, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Cảng Đông Hưng ở Quảng Tây cũng kỳ vọng sẽ chứng kiến tăng trưởng đáng kể trong nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam trong năm nay. “Trước đây, chúng tôi chủ yếu nhập hải sản nhưng năm nay nhập sầu riêng đang tăng nhanh. Bây giờ đang là mùa cao điểm của sầu riêng Việt Nam và hàng chục xe tải lớn chở đầy sầu riêng cập cảng Đông Hưng mỗi ngày”, Chen nói.